MC PHAN ANH CÓ PHẢI NẠN NHÂN?

Nhiều ngày gần đây mạng xã hội và rất nhiều website đã đồng loạt đưa tin về chương trình 60 phút mở của đài VTV với Mc Phan Anh là nhân vật chính. Thông tin được đưa ra cùng rất nhiều bình luận, đánh giá thậm chí là “ném đá” của cư dân mạng. Nhiều người đã gọi nó là một màn “đấu tố”, cho rằng cách làm của VTV là thiếu công bằng khi cho một đám người xúm lại, mổ sẻ, quy kết và đổ tội cho một cá nhân.
(Nguồn: Internet)

Sau khi chương trình được phát đi vào 20giờ ngày 27/5, một làn sóng dư luận đã hình thành. Những bình luận của “cộng đồng mạng” được chia sẻ rất gay gắt, như:
“Nếu bạn nào vẫn chưa hiểu thế nào là đấu tố thì tôi khuyên thật là nên xem video này! Tạ Bích Loan chính thực tự thú rằng chị ta là một dư luận viên cao cấp.”
“Cả một êkíp gồng mình lèo lái chương trình theo định hướng bằng mọi cách có thể. Không khó để nhận ra các xảo thuật từ kịch bản, đạo diễn, khách mời, MC…”
Khi mời Mc Phan Anh tham gia với tư cách khách mời chính, mục đích của êkíp làm chương trình muốn xoáy vào câu chuyện anh sử dụng tài khoản facebook của mình chia sẻ một clip cá chết ở Vũng Áng do đài VTC thực hiện mà clip này sau đó đã bị tố cáo là dàn dựng và hoàn toàn sai sự thật. Theo đó, các khách mời lần lượt đưa ra ý kiến đánh giá của mình về động cơ thực sự đằng sau hành động này và Mc Phan Anh sẽ đóng vai trò là người phản biện, từ đó tất cả mọi người cùng tìm câu trả lời cho chủ đề chung của chương trình: “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”

(Nguồn: Internet)

Có lẽ còn rất nhiều, rất nhiều những bình luận khác mà cộng đồng mạng dành cho chương trình này. Tuy nhiên việc gì cũng vậy, nhận xét và đánh giá thì phải khách quan, chúng ta không thể đồng tình chỉ vì đám đông cho rằng điều đó đúng. Bản thân tôi nghĩ mục đích chính của chương trình ngay từ đầu không phải là một màn đấu tố, bởi nếu không họ đã không nêu rõ chủ đề là: “chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”. Chủ đề này không hề nhằm vào bất cứ cá nhân hay con người cụ thể, câu chuyện của Mc Phan Anh được đem ra như một ví dụ để từ hành động của 1 cá nhân người xem hiểu rõ hơn về hành động của cả cộng đồng. Người ta không phải vin vào cái cớ Phan Anh chia sẻ clip dàn dựng mà quy tội, cái mà họ thực sự hướng đến là cái chung chứ không phải cái riêng.
Về phía nhân vật chính của buổi tranh luận: Mc Phan Anh, sự thật là clip mà anh quyết định chia sẻ trước đây là một clip sai sự thật được dàn dựng bởi hai phóng viên của đài VTC. Đối với nghề báo chí và truyền thông, dối trá là không thể chấp nhận, người làm báo cũng phải có tâm như nghề y, nghề giáo hay bất cứ ngành nghề nào khác. Không thể vì cả nước đang rối loạn và đói thông tin vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân mà chúng ta tạo dựng lên một màn kịch để lừa dối dư luận. Hơn hết là thứ họ tạo ra lại góp phần gây hoang mang và làm cho mọi cố gắng trấn an người dân của chính quyền trở thành vô ích. Mc Phan Anh có lẽ có đầy đủ khả năng nhận thức để nhìn ra mức độ ảnh hưởng tâm lý của đoạn video đó, càng thừa thông minh để biết rằng bản thân mình là người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng. Vậy thì không chỉ clip sai mà việc chia sẻ thông tin vội vàng, không kiểm chứng là cái lỗi cũng to không kém. Nói rằng bản thân đặt niềm tin vào VTC – một đài truyền hình chính thống, đó thực ra cũng chỉ là sự biện minh, cũng như mắc lỗi rồi đổ tội cho người đã làm mình vấp ngã. Ở đời vốn dĩ không ai tin vào người khác hoàn toàn, thử hỏi nếu đó không phải clip cá chết mà là một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với  mình thì liệu anh có tin và làm theo VTC như lời anh nói??? 
Thực tế cuộc tranh luận kéo dài 2 tiếng nhưng khi lên sóng đã được biên tập lại chỉ còn 40phút cho vừa với thời lượng, vậy thì liệu cái chúng ta được xem đã đem lại cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện? Lời nhận xét chân thực nhất có lẽ thuộc về những người trong cuộc chứ không phải chúng ta, cộng đồng mạng.
Chương trình nêu ra một vấn đề khá phức tạp: tìm hiểu động cơ thực sự của mỗi người khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Với một vấn đề như thế thì khi khách mời là một nhà báo, một chuyên gia tâm lý hành vi, một người chuyên nghiên cứu về mạng xã hội và hai facebooker có tiếng thì điều đó là hoàn toàn bình thường. Nó chứng tỏ nỗ lực của VTV mong muốn đem đến cái nhìn khách quan nhất cho khán giả. Vậy, những nhận xét chỉ trích về kịch bản của chương trình này liệu công bằng?
Đối với nhận xét về nhà báo Hồng Thanh Quang với gương mặt “đằng đằng sát khí”, rõ ràng không ai trong chúng ta chỉ nhìn mặt mà bắt hình dong, chúng ta phải nhìn vào động cơ mục đích thực sự của người ta, nhìn bề ngoài mà nhận xét là phiến diện. Hơn nữa sự tranh luận gay gắt và nói thẳng nói thật là thứ chúng ta thật sự cần, nó thể hiện sự chân thành từ người nói, nó quý giá hơn nhiều những lời nhận xét vòng vo hời hợt.
Và cuối cùng, xin được gửi tới “cộng đồng mạng”, công bằng mà nói, các bạn có quyền chỉ trích, phán xét hay bóp méo sự thật về một chương trình truyền hình, thậm chí thóa mạ Mc và các khách mời thì người khác cũng có quyền bình luận phân tích về hành động của người khác. Những phân tích ấy có thể thẳng thắn, có thể gay gắt và không có sự nể nang nhưng ít ra tất cả họ đang cùng tìm cách đưa ra câu trả lời cho một vấn đề thực sự của xã hội. Đừng đưa ra nhận xét khi bản thân mình thậm chí còn chưa hiểu rõ vấn đề, các bạn không hiểu được rằng sự vội vàng và ngây thơ của các bạn đang được một bộ phận xã hội lợi dụng để chôn vùi sự thật và làm méo mó đi ý nghĩa thực sự của một chương trình truyền hình. Không phải tự nhiên mà ngay sau khi chương trình được phát sóng, tràn ngập facebook là những bài viết lên án, cái từ “đấu tố” vốn thuộc phạm vi từ vựng của những nhà “rân chủ” tự nhiên lại nhan nhản trên mạng khiến người ta giật mình. Không một bài viết về nội dung và ý nghĩa thực sự của chương trình, không một lời động viên êkíp thực hiện cho những nỗ lực và cố gắng của họ. Chỉ toàn thấy “đấu tố”, “ đánh hội đồng” và những lời chỉ trích nặng nề. Mọi người đừng quên thông điệp mà 60 phút mở đem đến cho chúng ta: “đừng im lặng” nhưng “hãy share có trách nhiệm”!

HOÀNG LAN
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét