Ngày hôm nay 1/9, trong cuộc gặp mặt báo chí thường kỳ về nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 và quý IV năm 2016, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trả lời nhiều ý kiến của phóng viên có liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa môi trường biển diễn ra gần đây khiến cá chết hàng loạt.
Được biết, trong cuộc gặp mặt báo chí lần này, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giải đáp nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc của người dân liên quan đến việc “biển đã sạch hay cá đã ăn được hay chưa” cũng như những chủ trương cụ thể của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc mở rộng diện hỗ trợ đối với những trường hợp người dân chịu thiệt hại từ thảm họa môi trường vừa qua.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, tại Hội nghị Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế diễn ra vào ngày 22/8 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu quan trắc chất lượng môi trường nước tại các vùng biển thuộc 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại từ thảm họa môi trường biển cho thấy nhiều chỉ số các chất ôi nhiễm đã ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, để có thể khẳng định biển đã sạch và hải sản đã hết nhiễm độc, có thể ăn được đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định, còn trong thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới dừng lại ở việc khuyến cáo người người có thể nuôi trồng được thủy sản. Theo đó, ngày 29/8 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành văn bản 7268 về hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh bắc miền Trung.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham dự cuộc họp báo cũng cho biết, trong cuộc họp với các bộ liên quan như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… gần đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý và ra Thông báo số 259 về việc bổ sung các đối tượng ở 4 tỉnh miền Trung gián tiếp chịu thiệt hại từ thảm họa môi trường được hỗ trợ bồi thường, khắc phục hậu quả. Cụ thể như:
Thứ nhất, chủ tàu cá và người lao động trên tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên, có đăng ký và trực tiếp khai thác hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ ngày 06/4/2016 đến 30/9/2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Thứ hai, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 hoặc mới đầu tư xây dựng nhưng không thả nuôi trong thời gian từ ngày 06/4/2016 đến 30/9/2016 bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Thứ ba, chủ cơ sở chế biến nước mắm, mắm hải sản, tẩm ướp hải sản… có địa điểm sản xuất, kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã/phường/thị trấn ven biển, cửa sông, đầm phá vùng bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển và người lao động làm thuê thường xuyên, có thu nhập chính từ cơ sở này.
Thứ tư, chủ cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã/phường/thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, còn lưu kho các sản phẩm thủy sản được thu mua trước ngày 30/8/2016 và người làm thuê thường xuyên có thu nhập chính từ cơ sở này.
Như vậy, bên cạnh những người dân chịu thiệt hại trực tiếp trong thảm họa môi trường xảy ra gần đây, một số đối tượng khác bị thiệt hại gián tiếp cũng được các cơ quan chức năng xem xét, đưa vào danh sách được hỗ trợ bồi thường. Đây là thông tin vui không chỉ đối với người dân chịu thiệt hại ở các tỉnh miền Trung mà đó còn là thông tin vui đối với người dân Việt Nam. Quyết định này của các cơ quan chức năng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và khách quan trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thảm họa môi trường.
Như các thông tin đã đưa trước đó, sau quá trình điều tra xác minh về nguyên nhân dẫn đến thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tìm ra “thủ phạm” cho hành động này là công ty Formosa. Thảm họa môi trường xảy ra là do những vi phạm trong quá trình xả thải của công ty Formosa ra biển. Được biết, đại diện công ty Formosa đã chính thức gửi lời xin lỗi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam và cam kết bồi thường số tiền 500 triệu USD cũng như khắc phục hậu quả môi nhiễm môi trường tại các vùng biển. Hiện nay, Việt Nam đã nhận đủ số tiền Formosa cam kết bồi thường, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố ngày hôm nay 1/9 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận xã hội. Việc mở rộng phạm vi người được bồi thường được cho là cần thiết nhằm hỗ trợ những người bị thiệt hại gián tiếp có điều kiện ổn định cuộc sống và vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt ra yêu cầu “công tâm” và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xác định thiệt hại của người dân để khẩn trương bồi thường hỗ trợ những thiệt hại của người dân sau thảm họa môi trường vừa qua.
Hà Huy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét