Ngày 21/7/2017, Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Paris, Pháp đã ra thông cáo báo chí với lời kêu gọi: “Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho đối tượng Trần Thị Nga. Trong thông cáo báo chí, Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam cho rằng nhà chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ các cáo buộc đối với bà Trần Thị Nga, một "nhà hoạt động vì quyền lao động và đất đai" và ngay lập tức trả tự do cho bà Nga. Đồng thời, đại diện của Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền khẳng định chính quyền Việt Nam thường sử dụng các biện pháp để đe doạ và bóp nghẹt tiếng nói của các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền qua những việc làm hợp pháp.
Có thể thấy rằng việc Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam ra thông cáo báo chí đòi trả tự do cho nhà hoạt động “dân chủ” Trần Thị Nga đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam công bố lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Thị Nga |
Tại khoản 7, Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên hợp quốc được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Trong đó, công việc nội bộ của mỗi quốc gia được hiểu là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền của mình, đó là quyền tối thượng của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình (như: quyền tự do lựa chọn, tự do xây dựng và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...) và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế (như: quyền độc lập thiết lập mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, quyền tự do tham gia vào các tổ chức quốc tế khu vực và phổ cập...). Đồng thời, nguyên tắc này không cho phép bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu được quyền can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền của mình. Cụ thể:
- Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, văn hóa-xã hội của quốc gia;
- Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để bắt buộc quốc gia khác phụ thuộc vào mình;
- Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của quốc gia khác;
- Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ của quốc gia khác;
- Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng hành động của Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho Trần Thị Nga - một công dân có hành vi vi phạm pháp luật đã can thiệp thô bạo, nghiêm trọng vào lĩnh vực hành pháp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trần Thị Nga bên ngoài một nhà hoạt động “dân chủ”, một “dân oan chính hiệu” thường xuyên lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước nhằm mục đích chống phá chính quyền nhân dân. Mặc dù, Trần Thị Nga đã nhiều lần được chính quyền, cơ quan chức năng nhắc nhở, giáo dục, thuyết phục nhưng thị vẫn ngoan cố, tiếp tục có những hành vi chống đối một cách điên cuồng hơn. Trong đó, Nga thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook cá nhân với tên "Thuy Nga" và Blog cá nhân có tên "Mephu.blogspot.com" để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh tụ dân tộc. Đặc biệt, Nga là người có quan hệ khá phức tạp với đủ mọi thành phần xã hội và có quan hệ chặt chẽ với số đối tượng cực đoan, quá khích trong các hội, nhóm phản động như: "Hội anh em dân chủ", "Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam"; "Hội bầu bí tương thân và "Hiệp hội dân oan Hà Nam".
Với những hành vi vi phạm pháp luật quá rõ ràng, ngày 21/1/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Thị Nga (40 tuổi, quê quán: Xóm 3, thôn Đồng Phú, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân); tạm trú tại số nhà 254, đường Trần Thị Phúc (tổ 10, phường Hai Bà Trưng, TP. Phủ Lý, Hà Nam) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1999. Trong quá trình thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Trần Thị Nga, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã bắt quả tang đối tượng Trần Thị Nga đang truy cập mạng Internet đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là việc làm vi phạm pháp luật Việt Nam và cần phải bị xử lý thích đáng.
Như vậy, có thể thấy rằng việc Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền và Ủy ban Nhân quyền Việt Nam ra thông cáo báo chí đòi trả tự do cho tội phạm Trần Thị Nga là không thể chấp nhận được. Tổ chức Quan sát về Bảo vệ Nhân quyền cần thận trọng hơn trong những phát ngôn, không để cho các đối tượng xấu lợi dụng để tiến hành các hoạt động gây mất ổn định khu vực và trên thế giới.
VĂN VIỄN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét