HIỂU CHO ĐÚNG VỀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã nhắc nhiều đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nhân kỷ niệm 39 năm ngày cuộc chiến nổ ra (17/2/1979 – 17/2/2018). Cũng như mọi năm, nhân kỷ niệm ngày cuộc chiến này nổ ra đã có nhiều ý kiến trái chiều thậm chí là xuyên tạc của các thế lực phản động như: Đảng, Nhà nước chúng ta cố tình quên lãng cuộc chiến này, không tổ chức kỷ niệm hay bỏ mặc di tích và người có công trong cuộc chiến… Để rồi, nhiều kẻ rân chủ, chưa 1 ngày tham gia cuộc chiến, chứng kiến sự đau thương hay mất mát từ cuộc chiến này, nhân ngày kỷ niệm để phán xét, để phục vụ mưu đồ gây bất ổn chính trị trong nước.

Đầu tiên, Đảng và Nhà nước ta có quên cuộc chiến này không? Dĩ nhiên câu trả lời là không. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc không chỉ diễn ra trong 1 tháng, không chỉ nổ ra tại 1 địa phương trong năm 1979 mà nó kéo dài dai dẳng hơn 10 năm, với sự bi thương, căng thẳng cao độ dọc các tỉnh biên giới phía Bắc. Một cuộc chiến như vậy dù muốn quên lãng cũng khó huống chi từ cuộc chiến tranh này, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ quân sự cho tới đối ngoại. Chúng ta không lãng quên cuộc chiến này khi nó vẫn được nhắc trong sách giáo khoa, dù nhiều người cho là khiêm tốn nhưng với ngàn năm lịch sử, với khuôn khổ cuốn sách giáo khoa thì sự khiêm tốn này là điều dễ hiểu. Còn cuộc chiến này được đề cập khá đầy đủ trong cuốn lịch sử Việt Nam tập 3. Như vậy, về mặt lịch sử chúng ta luôn ghi nhận cuộc chiến này và chưa ngày nào phủ nhận. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, sau những căng thẳng trên biển Đông, chúng ta thấy rằng báo chí nói nhiều hơn đến cuộc chiến biên giới phía Bắc, đến sự kiện bảo vệ Trường Sa năm 1988, thử hỏi, liệu chúng ta có cố tình lãng quên.
Đồng chí Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước) dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới tại nghĩa trang Lạng Sơn vào ngày 16/2/2016

Thứ hai, cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta cũng không quên những anh hùng liệt sỹ hi sinh trong cuộc chiến tranh phía Bắc. Nhà nước chúng ta vẫn thực hiện đầy đủ chế độ thương binh, liệt sỹ với những người có công trong cuộc chiến này. Các di tích lịch sử, các bia ghi công được các địa phương tích cực tôn tạo, xây mới nhằm nhắc cho thế hệ trẻ không quên về lịch sử chống ngoại xâm của cha ông ta. Đồng thời nhiều nhà lãnh đạo đứng đầu đã có những chuyến thăm tới những người có công trong cuộc chiến hay tới thăm các nghĩa trang nơi các liệt sỹ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nằm xuống điển hình như chuyến thăm của đồng chí Trương Tấn Sang, lúc bấy giờ là Chủ tịch nước tới nghĩa trang liệt sỹ TP Lạng Sơn năm 2016.

Thứ ba, chúng ta phải nhận thức đầy đủ rằng, việc chúng ta phản ánh đầy đủ về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, về việc chúng ta hàng năm kỷ niệm cuộc chiến này là nhằm khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân, thông điệp của ý chí quật cường, thông điệp của tinh thần độc lập. Khi nói về lịch sử một thời đã qua, kể cả trong quan hệ quốc tế, có những lúc thăng, lúc trầm với nước láng giềng nhưng chúng ta phải nhắc đến và ôn lại. Nhắc và ôn lại không phải để phê phán một cá nhân nào hay để tạo ra mối thù hận với một đất nước, dân tộc nào mà là để nhắc nhở con cháu tránh những cái cần phải tránh để không dẫn đến những tổn thất cho đất nước cũng như những bài học cần ghi nhớ. 

Không ai cấm cản việc chúng ta nhớ và kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nhưng mỗi chúng ta hãy cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc về ý nghĩa và tính chất của cuộc chiến, về các luận điệu xuyên tạc gây ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao hiện nay. Chúng ta không chối bỏ lịch sử mà tự hào về lịch sử dân tộc và rút được những bài học quý giá từ cuộc chiến này cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

DƯƠNG LINH
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét