Hôm nay (19/9), Hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào được tổ chức tại Hà Nội thành công, sự kiện có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Qua hội nghị này cũng giúp chúng ta nhìn nhận nhiều vấn đề để tiếp tục hy vọng về sự phát triển hưng thịnh của nước nhà.
Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 19/9 |
Thứ nhất, khu vực biên giới tuyến Việt Nam - Lào gồm 156 xã, phường, thị trấn dài 2.337 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Ở Việt Nam, điểm đầu ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đây là khu vực có vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng – an ninh, nằm ở khu vực rừng núi, hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, liên quan trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thậm chí là sự tồn vong của nước nhà. Vì vậy, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước, mở sang trang mới trong quan hệ của hai nước.
Thứ hai, tình hình khu vực và thế giới hiện nay đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đe dọa an ninh phi truyền thống, việc tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên xảy ra ở nhiều khu vực. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng bảo vệ biên giới quốc gia nói chung trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và giữ vững ổn định để bảo vệ hòa bình trong khu vực. Đây sẽ là rào cản lớn cho tất cả các mối đe dọa về quân sự từ bên ngoài lãnh thổ cũng như tăng tiềm lực quốc phòng, sức chiến đấu của Việt Nam khi xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.
Ngoài ra, thành công của việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào cho thấy có sự phối hợp giữa hai quốc gia, đặc biệt là có sự tham gia của mọi người dân, nhất là đồng bào sống ở khu vực biên giới. Chúng ta thấy, mọi người dân đều mong muốn một cuộc sống ấm no, và khi họ có niềm tin, lòng tin vào chính quyền, vào việc phân định cắm mốc biên giới sẽ tăng thêm ý thức quốc gia – dân tộc trong con người họ, để họ sẵn sàng xả thân vì chủ quyền lãnh thổ. Dân có giàu, nước với mạnh, lòng dân vững thì đất nước mới phát triển.
Thứ nữa, sự kiện trọng đại này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hai Nhà nước Việt Nam, Lào thực hiện việc quản lý, bảo vệ biên giới và được nhân dân, chính quyền các cấp hai bên tôn trọng. Đồng thời, nó cũng làm tăng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, một hình ảnh đất nước thân thiện, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hy vọng rằng, với thành công trong việc hoàn thành phân giới cắm mốc Việt Nam-Lào sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy tầm nhìn, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đã đề ra các chủ trương, chính sách mang tính vĩ mô, giúp tăng cường thế và lực cho nước nhà trong bối cảnh tình hình hiện nay.
PHỐ VIÊN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét