BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ LÊN TIẾNG VỀ "HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI"

Liên quan đến vụ việc "Hội Thánh Đức Chúa Trời'' đang hoạt động rầm rộ ở một số tỉnh, thành phố, trên cổng thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Vũ Chiến Thắng – Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, "Hội Thánh Đức Chúa Trời" bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên... liên quan đến tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.
Ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời" mà báo chí phản ánh, ông Thắng cho biết Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, về phương diện quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời".

Đồng thời, Ban đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.
Buổi sinh hoạt của thành viên Hội Thánh Đức Chúa trời

Ông Thắng cho biết, gần đây, chức sắc của một số tổ chức tôn giáo đã lên tiếng phản đối các hoạt động tiêu cực trên. Dù mới là việc làm của cá nhân các chức sắc tôn giáo nhưng đã góp phần giúp dư luận hiểu đúng về những hoạt động tiêu cực trên là phi tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị các cấp các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc,...

"Đối với việc đưa tin liên tục của một số báo điện tử gần đây về vấn đề này, tôi hoan nghênh tinh thần nhập cuộc, phản ánh kịp thời của báo chí.Việc làm này đã giúp đưa tin tới rộng rãi quần chúng nhân dân để chủ động cảnh giác, phòng ngừa, song tôi cũng lưu ý việc đưa tin cần chính xác, tránh gây hiểu nhầm về sự tiêu cực của một tôn giáo cụ thể nào đó", Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ nói.

MẠNH ĐẠT
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét