GẠC MA VÀ TRÁCH NHIỆM THẾ HỆ TRẺ

Những ngày tháng 3 về, người dân Việt lại đau xót, bùi ngùi nhớ về Gạc Ma với một niềm trăn trở không nguôi khi một phần đất mẹ đã nằm trong tay ngoại bang, khi hình ảnh vòng tròn bất tử với 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam kiên cường, bất khuất trước họng súng quân thù lại hiện lên lồng lộng đâu đây giữa trời Nam đất Việt.

Vậy mà cũng đã 30 năm rồi, kể từ cái ngày Trung Quốc nổ súng chiếm Gạc Ma của Việt Nam. 30 năm những kí ức về trận chiến giữ đảo ngày đấy, về sự hi sinh cao cả của 64 chiến sĩ hải quân vẫn còn như hiển hiện đâu đây.

Cách đây 30 năm về trước, vào những tháng cuối năm 1987 và đầu 1988, Việt Nam đã nhận thấy những điểm bất thường trong các động thái của Trung Quốc trên biển Đông khi đơn phương cho tàu chiến vào hoạt động tại khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhận thấy đây có thể là một âm mưu của Trung Quốc hướng tới các đảo của Việt Nam ở Trường Sa, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ tư lệnh hải quân tăng cường khả năng bảo vệ các đảo thuộc Trường Sa, nhất là củng cố, xây dựng các hạng mục công trình để khẳng định chủ quyền Việt Nam.


Theo chiến dịch CQ 88 các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa. 20h ngày 11/3/1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km.

2h sáng ngày 12/3, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Sau hai ngày đêm, HQ 604 và HQ 605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định là Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.

Và đúng đêm 13 rạng sáng ngày 14 đó, các chiến sĩ công binh của ta đã mang vật liệu và cờ tiếp cận với đảo Gạc Ma. Lúc này, lính Trung Quốc cũng đã phát hiện việc tiếp cận đảo của phía ta nên bắt đầu có các động thái để uy hiếp các chiến sĩ của ta.

Tàu chiến của Trung Quốc bắt đầu thả xuồng máy chở lính và vũ khí tiếp cận quân ta ở Gạc Ma. Các chiến sĩ của ta đã đứng thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa bãi Gạc Ma. Phía lính Trung Quốc đã nã đạn và tấn công vào các chiến sĩ của phía Việt Nam. Các anh đã hết sức kiên cường để bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Đáng chú ý, lính Trung Quốc đã dùng AK để tấn công liên tiếp vào các chiến sĩ của Việt Nam. Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km. Vì ở gần, HQ 604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7, thuyền tưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy chiến sĩ xuống các xuồng dùng súng chiến đấu tự vệ, vừa băng bó cho đồng đội bị thương. Thuyền trưởng Trừ đứng ở mũi tàu dùng AK và B40 đánh trả kẻ địch.

Khi thấy HQ 604, rồi HQ 605 chìm hẳn, thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ quyết định lao thẳng con tàu bị bắn cháy phần đuôi lên bãi cạn Cô Lin, cắm cờ chủ quyền.

Trong trận chiến Gạc Ma 30 năm trước ấy, 64 chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hi sinh. Phía Trung Quốc đã chiếm được đảo Gạc Ma. Việt Nam giữ được hải đảo Colin và Len đao.

30 năm đã trôi qua nhưng vết thương Gạc Ma chưa bao giờ ngừng chảy máu. Nó nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta rằng tuyệt đối không bao giờ được quên đi sự xâm lăng, lấn chiếm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc. Dù trong lúc này, chúng ta vẫn tăng cường hợp tác với Trung Quốc nhưng cũng không bao giờ được phép quên Trung Quốc vẫn đang tìm mọi cách cải tạo các thực thể ở Trường Sa, vẫn chưa bao giờ thôi chấm dứt âm mưu độc chiếm biển Đông.

Sự kiện Gạc Ma cũng nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta rằng, nhớ về lịch sử để chúng ta ứng xử với hiện tại và tương lai một cách hợp lý nhất. Chúng ta phải thấy rằng trước một kẻ nham hiểm như Trung Quốc, tại sao ông cha ta bao đời nay vẫn đặt mục tiêu giữ vững quan hệ hữu hảo, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển là quan trọng nhất.

Chính vì vậy, một mặt chúng ta tưởng niệm về Gạc Ma để tri ân các anh hùng, liệt sị, để nâng cao bài học cảnh giác nhưng cũng không sa vào các âm mưu, hành động kích động của các phần tử xấu, không cần thiết cứ phải biểu tình, hô hào ầm ĩ đòi đánh nhau với Trung Quốc, điều đó không cần thiết và thậm chí có thể nói là ngu dốt trong lúc này.

Hãy đi thăm các thân nhân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Gạc Ma, hãy tiếp tục học, nghiên cứu khoa học thật tốt, tìm thêm các bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

PHẠM MINH
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét