Trước năm 1988 Gạc Ma là một bãi đá ngầm có vị trí chiến lược vì nằm ở giữa các đảo mà Việt Nam đang quản lý. Nếu chiếm được Gạc Ma thì Trung Quốc sẽ đưa Việt Nam vào thế cài răng lược giữa vùng đảo. Tối ngày 13/3/1988 trên bãi đá Gạc Ma có 48 chiến sĩ công binh và các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong khu vực này đều là tàu vận tải, không có vũ khí.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng tàu chiến đến tấn công, xâm chiếm Gạc Ma. Khi Trung Quốc đổ bộ thấy cờ Việt Nam thì xông đến nhổ cờ, dập xuống nước. Lính Trung Quốc dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 anh em chiến sỹ của ta trên bãi đá. Hai tàu vận tải mang số hiệu 604 và 605 là hai tàu chuyên chở các chiến sỹ công binh trên bãi đá đang cách bãi đá khoảng 5-6km cũng bị tàu chiến của Trung Quốc nã pháo bắn chìm làm 16 cán bộ chiến sỹ trên tàu hi sinh, một số anh em kịp lên tàu cao su sau đó được Bộ Tư lệnh hải quân đến cứu.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Bãi đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS |
Tại đảo Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý) và Len Đao, Trung Quốc tấn công quyết liệt ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/3, bắn cháy tàu HQ 505 và sát hại nhiều chiến sĩ đang giữ đảo.
Có 3 sự thật quan trọng cần được khẳng định ở sự kiện Gạc Ma đó là:
- Gạc Ma là của Việt Nam và hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
- Trên Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Việt Nam đã không nổ súng trước, hầu hết là thủy binh tay không; HQ-604, HQ-605 và HQ-505 đều là các tàu vận tải, không có vũ khí.
- Nhiều người nhầm lẫn gọi sự kiện Gạc Ma là trận “hải chiến”. Đó không phải là một cuộc hải chiến mà là một cuộc thảm sát và xâm lược có chủ đích của Trung Quốc. Đạn pháo của Trung Quốc còn ngăn tàu chữ thập đỏ để cứu những người bị thương.
Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng nề cho Việt Nam, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 64 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới mưa đạn. Nước Biển Đông từ ngày đó cũng mặn hơn vì vị mặn của máu, của nước mắt của cả dân tộc, đau thương và bi phẫn. Hàng ngàn bài viết của báo chí, các trang mạng XH như những nén tâm nhang, khóc vì xót đau và biết ơn những người lính đã nằm xuống:
Gạc Ma. Đêm ấy. Ta đau. Biển không xanh nữa, chỉ rầu rầu tang. Một con tàu cuối vỡ tan. Một vầng trăng cuối, đang nhàn nhạt. Trôi.
Sau đêm hôm ấy. Ta thôi. Không còn tin chuyện xa vời viển vông. Đảo này đảo của cha ông. Bao nhiêu máu đã nhuốm hồng mắt đêm?
Bạn đi. Đau tuổi. Đau tên. Không hồn. Chẳng vía để lên Niết Bàn. Tiếng con thơ. Xé không gian. Mẹ không khóc được. Chỉ giàn giụa thôi! ….(Tuổi trẻ, ngày 31/01)
Sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc mà chúng ta không bao giờ lãng quên. Xin thắp 1 nén nhang bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh, những người đã ngã xuống quyết bảo vệ non sông, đất nước thân yêu này./.
PHẠM THÀNH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét