Hội nghị trung ương 7 khóa XII đã được khai mạc và đề cập đến vấn đề “tăng cường kiểm soát quyền lực, chặn đứng tiêu cực, triệt để chống chạy chức chạy quyền”. Trong đó, Tổng Bí thư đã thẳng thắn thừa nhận đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục, hoàn thiện. Đặc biệt, đề án lần này đã đưa ra một số giải pháp, trong đó nổi bật lên là “kiểm định chất lượng đầu vào công chức” và đáng chú ý hơn là “bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện không là người địa phương”. Việc không bố trí người địa phương làm lãnh đạo ngay tại quê nhà cũng được khuyến khích thực hiện với chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân và các chức danh khác, theo báo chí. Đây là điều khá đặc biệt làm người ta liên tưởng đến chính sách Hồi tỵ của Việt Nam dưới các triều đại phong kiến. Và nhân cơ hội này, đài RFA đã đăng bài viết "Luật Hồi Tỵ - có phải là một giải pháp hữu hiệu để chống tham nhũng" với nội dung xuyên tạc bản chất luật Hồi tỵ. Vậy chính sách hồi tỵ là gì?
Chính sách hồi tỵ - tránh đi, khởi nguồn từ sự nghiệp cải cách nền hành chính quốc gia toàn diện và sâu sắc của vua Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh đứng đầu thể chế quân chủ phong kiến trị vì đất nước suốt 38 năm (1460-1497). Với quan điểm “trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn”, vua Lê Thánh Tông đã sáng suốt đặt trọng tâm của sự nghiệp cải cách hành chính vào lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách đội ngũ quan lại. Sau khi đã có kinh nghiệm cai trị đất nước trong 26 năm, vua Lê Thánh Tông đã đặt ra chế độ hồi tỵ phục vụ cho công tác tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ quan lại phong kiến đương thời. Chính sách này đã được vua Lê Thánh Tông tiếp tục sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện trong suốt nhiều thập kỉ sau đó.
Luật Hồi tỵ quy định rõ về việc không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó; không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng. Bên cạnh đó, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác. Ngoài ra, Luật "hồi tỵ" cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền.
Có thể nói, chính sách hồi tỵ là sự thể hiện rõ nét sự am hiểu của cha ông ta về văn hoá, lối sống xã hội cũng như những nguy cơ tiềm ẩn từ quan hệ thân tộc, đồng hương, thầy trò… trong đời sống của đội ngũ quan lại đương thời. Chúng ta có thể thấy chính sách hồi tỵ có một ý nghĩa thực tiễn vô cùng sâu sắc vì nó giúp các chế độ phòng tránh, hạn chế được mặt tiêu cực ngay từ khía cạnh văn hóa ứng xử của những người nắm giữ công quyền, từ đó phát huy tính công tâm, khách quan trong việc phụng sự lợi ích nhà nước của đội ngũ quan lại. Chính sách hồi tỵ cũng thể hiện phương châm chủ động phòng ngừa tiêu cực trong bộ máy quan liêu ngay từ khâu bổ dụng đội ngũ quan lại. Bởi lẽ, bộ máy quan lại hành chính có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực thi các chính sách của chính quyền trung ương tập quyền. Vì vậy, cùng với các chính sách đào tạo, sử dụng nhân tài, các biện pháp đãi ngộ vật chất, đãi ngộ tinh thần, các chế độ quân chủ trong lịch sử còn có những biện pháp chủ động phòng ngừa một cách nghiêm ngặt đối với nguy cơ tiêu cực. Chính sách hồi tỵ chính đã cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của cha ông ta trong việc đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn từ tính cách dân tộc, truyền thống văn hóa, lối sống để thực hiện việc chủ động phòng ngừa ngay từ khâu bổ dụng đội ngũ quan lại.
Hiện nay, chính sách sử dụng cán bộ phần nào đã kế thừa được những tư tưởng, chính sách của cha ông ta về hồi tỵ. Việc Hội nghị trung ương 7 khóa XII vận dụng sáng tạo các quy định của cha ông ta về chính sách hồi tỵ trong công tác tuyển dụng công chức, sắp xếp, bố trí cán bộ, công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là hoàn toàn hợp lý, cần thiết với tình hình thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về chính sách hồi tỵ, tránh để đối tượng xấu lợi dụng, xuyên tạc, lôi kéo vào các hoạt động gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến quá trình diễn ra Hội nghị trung ương 7 khóa XII.
HỌC THỨC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét