Lữ Khách
Chính sách cởi mở, xóa bỏ quá khứ, sống với hiện tại, hướng tới tương lai đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tích cực, nhiệt tình thực hiện. Minh chứng đấy là vào đầu tháng 11/2006, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 1568/QĐ-TTg về việc bàn giao đất khu vực Nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất Khu nghĩa địa Bình An huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương do Quân khu 7 Bộ Quốc Phòng đang sử dụng vào mục đích dân sự hoá. Tháng 6/ 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hoa Kỳ đã phát biểu về Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (nay là Nghĩa trang Bình An) rằng, VN đồng ý cho tất cả những người có thân nhân chôn cất ở trong đó được phép tái tạo, sửa đổi, trùng tu lại để làm cho tốt đẹp hơn và sẽ không cho di dời mộ phần.
Tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa (Nguồn: Internet)
Và nay, ngày 17/01/2016 vừa qua, tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã làm lễ khởi công xây dựng Tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Tại buổi lễ khởi công, ông Đào Ngọc Tùng, Chủ Tịch Tổng Liên đoàn LĐVN phát biểu với nội dung, trong đó có đoạn:
“42 năm trước, ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 sĩ quan, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt dù trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”.
Khi Đảng, Nhà nước Việt Nam thể hiện tinh thần quan tâm, xóa bỏ sự hận thù, thúc đẩy sự hàn gắn, bền chặt khối đại đoàn kết thống nhất trong nhân dân khi đặt lợi ích, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia lên trên hết. Dẫu những người ngã xuống đã từng là lính VNCH – tay sai của Đế quốc Mỹ nhưng họ đã kiên cường chiến đấu bảo vệ vùng biển Hoàng Sa thì Việt Nam vẫn sẵn sàng xóa bỏ quá khứ và tri ân họ, chia sẻ nỗi đau với người thân của họ bằng việc xây dựng Tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa. Đáng lẽ, đáp lại thái độ thiện chí, tinh thần máu mủ cộng đồng phía chính quyền VN đã, đang và sẽ thể hiện thì một số bộ phận hậu duệ VNCH và số trang mạng lề trái và bọn phản động nước ngoài lại "được đằng chân lân đằng đầu".
Chúng ngạo mạn cho rằng, phía chính quyền đã công nhận "người lính VNCH đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” và đòi Đảng, Nhà nước và nhân dân VN phải phong tặng anh hùng liệt sĩ cho các tử sĩ VNCH ngã xuống tại Hoàng Sa 1974. Về luận điệu này, tôi xin khẳng định rằng: Sẽ không bao giờ có chuyện các tử sĩ VNCH sẽ được vinh danh thành các anh hùng liệt sĩ, bởi vì:
Thứ nhất, không phủ nhận 74 lính VNCH đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974 là để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, họ là lính của chế độ VNCH - tay sai, rước Đế quốc Mỹ về giày xéo Tổ quốc. Vậy, vinh danh các tử sĩ VNCH đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974 thành Liệt sĩ thì nên chăng điều này đang làm tổn thương, xúc phạm lòng tự trọng, tự tôn của hàng triệu người lính Việt Nam đã ngã xuống, những thương binh, người thân của họ trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, tự do cho dân tộc qua 2 cuộc chiến chống TD Pháp và ĐQ Mỹ?
Thứ hai, không vì một phút yếu mềm, thiên về tình cảm mà có thể để vàng thau lẫn lộn. 74 tử sĩ VNCH đã ngã xuống tại Hoàng Sa năm 1974 đã được ghi nhận nhưng không thể vinh danh họ vì họ thuộc chế độ Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn - một chế độ tay sai, một chế độ nhẫn tâm dùng súng chĩa đạn vào cả đồng bào của mình để thỏa thói huênh hoang, bá chủ của mình. Vinh danh các tử sĩ VNCH thành các anh hùng Liệt sĩ có nghĩa là có tội với tổ tiên, với cha ông và các anh hùng liệt sỹ đã bị chính người lính VNCH bắn chết. Vinh danh lính VNCH là sỉ nhục dân tộc, là sự gián tiếp cổ vũ cho việc một số phần tử xấu cấu kết với các tổ chức thù địch tại hải ngoại "cõng rắn về cắn gà nhà".
Thứ ba, nếu như phía chính quyền VN "vinh danh" 74 tử sĩ VNCH thì sẽ dẫn tới thừa nhận sự hợp pháp của chế độ Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn, một chế độ tay sai Đế quốc Mỹ, một chế độ "rước ma về giày mả Tổ". Và gián tiếp "giúp" cho Mỹ xóa sạch dấu vết từng mang súng đạn, chết chóc, chất độc dioxin...sang xâm lược Việt Nam. Như vậy, liệu có xứng là bậc con cháu mà cha ông mình đã không tiếc máu xương để bảo vệ từng tấc đất, bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do dân tộc trước họng súng của kẻ thù VNCH và quân đội Mỹ hay không?
Tóm lại, dù luôn cởi mở, tích cực và nhiệt tình trong chính sách xóa bỏ quá khứ, sống với hiện tại và hướng tới tương lai nhưng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ dễ dãi, thỏa hiệp với các yêu sách phi lý của một số phần tử chống Cộng cực đoan. Người xưa có câu "được đằng chân lân đằng đầu", thiết nghĩa những kẻ đang ra rả đòi vinh danh các tử sĩ VNCH tại Hoàng Sa năm 1974 hãy dành chút thời gian làm "anh hùng bàn phím" để suy ngẫm về những gì đã qua rồi khi ấy hẵng có những phát biểu lệch lạc, tham lam như trên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét