Nếu như trước đây, truyền thông chúng ta thường xuyên nói đến các vụ tấn công khủng bố của IS, Al-Qaeda, Taliban... ở Trung Đông, châu Âu hay Mỹ thì gần đây bọn khủng bố đã đến rất gần chúng ta. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã thực sự gõ cửa khu vực Đông Nam Á. Cộng đồng ASEAN non trẻ đang đối mặt với một vấn đề mà ngay cả những khối đã thành lập lâu đời như Liên minh châu Âu còn phải đau đầu.
Khủng bố ngay bên sườn
Trước hết hãy xét đến 3 khía cạnh: những dấu hiệu của IS, các cảnh báo và sự lôi kéo của IS với các nhóm khủng bố hiện hữu tại khu vực này.
Xét trên trục thời gian, vụ tấn công mang dáng dấp của IS tại Nam Á gần đây nhất là những vụ đánh bom ở Bangladesh. Đầu tiên là vụ tấn công một nhà thờ Hồi giáo người Shiite ở miền Bắc Bangladesh, giết chết 1 người và làm bị thương 3 người vào ngày 26-11-2015.
Trước đó, vào tháng 10-2015, Bangladesh cũng đã bị một cuộc tấn công tương tự khiến 1 người chết và 80 người bị thương. IS khi đó cũng lên tiếng nhận trách nhiệm.
Mặc dù số vụ không nhiều nhưng xét về mặt tuyển quân và sự lôi kéo các nhóm khủng bố khác của IS thì rõ ràng là đáng báo động. Hôm 22-12-2015, IS tung một đoạn video trong đó kêu gọi người Philippines tới Syria để gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Đoạn video này xuất hiện sau khi 8 thành viên một băng nhóm tội phạm thề trung thành với IS bị giết trong một cuộc đọ súng với quân đội Philippines ở thị trấn hẻo lánh Palimbang thuộc miền Nam nước này vào tháng 11-2015.
Tại Hội nghị ASEAN tháng 11-2015, Thủ tướng Malaysia kêu gọi các nước hợp tác chống khủng bố.
Những hình ảnh trong video cho thấy những chiến binh IS ở Philippines luyện tập. Một nhóm nhỏ tân binh, tất cả đều mặc quần áo đen và bịt mặt, đang leo dây thừng, chui qua hàng rào thép gai và tập dùng vũ khí.
Vào tháng 3-2015, IS đã tung các bức ảnh và đoạn video quay cảnh trẻ em nói tiếng Malaysia được chúng huấn luyện vũ khí. Trong đoạn video, một nhóm gồm ít nhất 20 trẻ em nam đang học tập, cầu nguyện, ăn uống và trải qua các bài học sử dụng vũ khí tại khu vực IS chiếm giữ.
Về số lượng những người Đông Nam Á đã gia nhập IS, theo nhiều báo cáo khác nhau, con số này dao động từ 600 đến 900 người. Các cơ quan an ninh tại Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines cho biết có ít nhất 900 người tới từ 4 quốc gia Đông Nam Á này đã gia nhập tổ chức IS tại Syria.
Nhóm lớn nhất, khoảng 700 người, tới từ Indonesia, trong khi đó, Malaysia và Philippines, mỗi nước có khoảng 100 công dân được cho là đã tới Syria. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn an ninh The Soufan Group lại cho thấy một con số thấp hơn, khoảng 600 người Đông Nam Á đang chiến đấu tại Syria.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỉ người theo đạo Hồi của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Điều này đã dẫn đến lo ngại rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường khủng bố trong khu vực này.
Nhóm chiến binh Hồi giáo người Malaysia khoe cờ của IS tại một địa điểm ở miền nam Philippines.
Nur Jazlan Mohamed, Thứ trưởng Nội vụ Malaysia cho biết “IS đang âm mưu chiêu mộ những người có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ từ Malaysia và Indonesia. Kế hoạch chiêu mộ chiến binh của IS ở Đông Nam Á là mối đe dọa lớn đối với Malaysia và các nước Đông Nam Á khác. Internet là phương tiện chính để IS truyền chỉ thị ra bên ngoài, chính vì vậy, để đối phó với IS, các nước cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến phức tạp trên mạng”.
Các nhóm khủng bố Đông Nam Á sẽ gia nhập IS?
Điều đáng sợ hơn cả đối với giới an ninh các nước Đông Nam Á là nguy cơ bị “IS hóa” của các nhóm khủng bố hiện hữu tại khu vực này. Giống như các tổ chức khủng bố khác trên thế giới, các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á chủ yếu là những kẻ ủng hộ Al-Qaeda hoặc các nhân vật cảm tình của IS.
Đáng lo ngại nhất trong khu vực là các nước như Malaysia, Philippines và Indonesia - những nước có số lượng người dân theo đạo Hồi đông đảo. Vào tháng 11-2015, nhà chức trách Malaysia xác định ít nhất 30 nhóm phiến quân lớn nhỏ trong khu vực đã thề trung thành với IS và có ý đồ thống nhất dưới cờ IS. Trong số các nhóm này có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayyaf.
Theo các nhà nghiên cứu, Đông Nam Á cũng là nơi cung cấp chiến binh cho IS, ngược lại tổ chức này tạo nguồn cảm hứng cho các nhóm cực đoan địa phương. Nước chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất là Malaysia. Điều này cũng dễ giải thích: xu hướng Hồi giáo cực đoan rất mạnh ở Malaysia.
Tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Indonesia tuyên bố ủng hộ IS.
Ở Indonesia, đạo Hồi nói chung được diễn giải một cách ôn hòa hơn là ở Malaysia. Tuy nhiên cũng phải công nhận là ý thức hệ của IS rất gần với phong trào Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamyah, đặt căn cứ ở Indonesia và là tác giả vụ khủng bố đẫm máu ở Bali năm 2002.
Tổ chức Jemaah Islamyah cũng muốn xây dựng một vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á. Tổ chức này đã bị suy yếu nhiều sau hàng loạt chiến dịch truy quét của Cảnh sát Indonesia. Chúng không còn tiến hành khủng bố trong mấy năm gần đây. Dù vậy, sự vươn lên của IS cũng nguy hiểm đối với Indonesia vì IS có thể khơi dậy trở lại ngọn lửa cực đoan của phong trào Jemaah Islamyah.
Tại Philippines, có hai tổ chức Hồi giáo vũ trang không đông đảo lắm đã tuyên bố quy phục tổ chức IS thông qua các video được đưa lên mạng Internet. Nhóm thứ nhất là Abu Sayyaf, ở trên đảo Jolo và Basilan, ngoài khơi vùng bờ biển phía nam Philippines. Nhóm thứ hai là một tổ chức mới, cũng rất nhỏ, lấy tên là Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro. Nhóm này là thành phần ly khai từ phong trào Hồi giáo lớn ở vùng Mindanao, miền Nam Philippines - Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro MILF, đã vừa ký kết hiệp định hòa bình với Manila.
Phong trào MILF có 12.000 quân và không ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, do đó tổ chức thánh chiến ở Trung Đông không có ảnh hưởng lớn ở Philippines. Một số nguồn tin đã khẳng định là IS dường như đã tuyển mộ người ở Mindanao, nhưng điều này không được chính thức xác nhận. Tóm lại, có thể nói rằng IS là nguồn cảm hứng rõ rệt cho hai nhóm Abu Sayyaf và Chiến sĩ Hồi giáo cho Tự do Bangsamoro.
Thách thức khủng bố với ASEAN
Nguy cơ nhóm IS cắm rễ tại Đông Nam Á được khẳng định thêm bởi cảnh báo của giới chuyên gia. Ngày 26-11-2015, báo The Australian dẫn lời Tổng chưởng lý Australia Goerge Brandis, cho biết IS có tham vọng tăng cường sự hiện diện và hoạt động ở Indonesia, trực tiếp hoặc thông qua các nhóm chi nhánh. Điều mà ông Brandis muốn nhấn mạnh là IS đang muốn một lập một triều đại Hồi giáo “từ xa”. “IS có ý đồ thành lập các nhà nước Hồi giáo bên ngoài Trung Đông. Chúng xác định Indonesia là một địa điểm phù hợp” - ông Brandis cho biết.
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, với mục tiêu hướng tới là lập một thị trường chung, trên cơ sở mô hình Liên minh châu Âu. EU được thành lập hơn nửa thế kỷ qua nhưng qua vụ khủng bố ở Paris, Pháp, hồi tháng 11-2015, khối này đã thực sự bị chia rẽ bởi nhiều lý do trong đó có việc phối hợp ngăn cản và truy bắt khủng bố.
Mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, hiểm họa khủng bố ở châu Á là vấn đề nghiêm trọng và khó khăn, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần. Theo ông Lý Hiển Long, hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có công dân Singapore, đã tham gia các tổ chức khủng bố, gồm cả IS.
Các tay súng IS tập luyện trong một khu rừng ở Philippines.
Ông Lý nhấn mạnh: trong hàng ngũ của IS thậm chí đã thành lập nhóm gọi là "Tiểu đoàn chiến binh Đông Nam Á", do vậy Singapore không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước những gì đang diễn ra. Từ ngày 29-5-2015, Singapore sẽ bắt đầu cung cấp các máy bay KC-135 cho liên minh quốc tế chống IS ở Trung Đông. Hành động này có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là thực tế, nhưng ông Lý nói cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan “chỉ mới bắt đầu”.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sáng 21-11-2015, Thủ tướng Malaysia kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới hợp tác chống khủng bố, vào lúc xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu.
Trước đó ngày 15-11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho biết, nước này sẽ tăng cường hợp tác tình báo nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố. Theo ông Hishammuddin, sự hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo đã được thực hiện giữa 10 quốc gia ASEAN, nhưng Malaysia vẫn muốn đảm bảo việc chia sẻ thông tin đầy đủ với các nước khác như Anh, Mỹ, Pháp.
Trong nhiều năm qua, khu vực Đông Nam Á đã nhiều lần thảo luận về sự cần thiết phải đẩy mạnh chia sẻ tin tức tình báo, lập chính sách chung, thậm chí thành lập quân đội chung phục vụ cho hoạt động gìn giữ hòa bình dưới sự tổ chức của ASEAN. Hiện nay, việc xây dựng lực lượng chung của ASEAN vẫn chưa được thực thi do vấn đề mới chỉ là đề xuất.
Mộc Thạch (tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét