TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XII LẠM BÀN VỀ QUYỀN THAM CHÍNH CỦA DTTS

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với dân tộc Kinh là dân tộc đa số và 53 dân tộc thiểu số, gồm 12,3 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,3% dân số cả nước. Nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nguyên tắc đó đã xuyên suốt trên chiều dài đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và là cơ sở cân bằng đảm bảo thực hiện quyền con người đối với các dân tộc thiểu số, trong đó có quyền tham chính.
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đảm bảo tham gia trong hệ thống chính trị 
Quyền tham chính của người dân tộc thiểu số (DTTS) là quyền tham gia quản lý đất nước, tham gia điều hành các công việc xã hội, được thực hiện một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện được chọn qua bầu cử và ứng cử. Thể hiện chủ yếu trên các mặt: Quyền bầu cử và ứng cử của người DTTS hoàn toàn bình đẳng như mọi công dân, quyền tham gia giữ các chức vụ trong các tổ chức thực hiện quyền lực chính trị được xã hội chính thức thừa nhận, quyền của người dân trong việc tham gia vào các quyết định liên quan đến đồi sống kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Các quyền trên đã được thực thi nhất quán trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Trong Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, số lượng đại biểu Quốc hội là người DTTS luôn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số. Bốn nhiệm kỳ Quốc hội gần đây chiếm từ 15,6% đến 17,27% (so với tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số là 14,3%). Ở các địa phương, số người DTTS tham gia đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) cũng chiếm tỷ lệ cao; nhiệm kỳ 2004 - 2009, ở cấp tỉnh là 20,53%, cấp huyện 18,9% và cấp xã là 23,3%. 

Nhiều người DTTS đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo, các cơ quan quyền lực của đất nước như: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Bộ trưởng... Trong các cơ quan tư pháp, chỉ huy lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương đều có sự tham gia của người DTTS.

Các quyền tham chính của người dân tộc thiểu số không chỉ được đảm bảo bằng pháp luật mà còn được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ để có đủ năng lực, điều kiện thực hiện các quyền đó thông qua nhiều chính sách ưu tiên đặc thù để phát triển giáo dục các cho các DTTS, ưu tiên cho đào tạo cán bộ người DTTS như: chính sách cử tuyển, lập dự bị đại học dân tộc, thực hiện luật trợ giúp pháp lý cho người DTTS.

Vấn đề đáng quan tâm là việc thực thi quyền của người dân ở cơ sở trong việc tham gia vào các quyết định liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để đảm bảo cho các quyết định của chính quyền được lòng dân, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân.

Chúng ta đã có không ít bài học về việc chính quyền quan tâm hỗ trợ cho đồng bào DTTS nhưng lại không được dân đồng tình ủng hộ như xây hàng loạt nhà cho người dân tộc nhưng họ không vào ở mà lại dựng một nhà sàn nhỏ để ở cạnh đó. Có những khu tái định cư cho dân di dời từ lòng hồ thủy điện nhà cửa san sát như thành phố nhưng dân không phấn khởi vì không có vườn, ở một số nơi. Nhà nước hỗ trợ cho dân tự làm nhà thì được sự đồng thuận, vừa phù hợp, lại vừa tiết kiệm. Nhiều khu rừng do kiểm lâm quản lý không chống nổi nạn lâm tặc, trong khi rừng được giao cho dân quản lý được bảo tồn và phát triển. Có những vụ việc chính quyền bắt người vi phạm pháp luật bị đối tượng kéo cả gia đình, dòng họ ra ngăn cản, chống người thi hành công vụ. 

Nhưng cũng có nhiều gia đình, dòng họ đã vận động người thân là tội phạm lẩn trốn ra đầu thú, cam kết từ bỏ con đường tội lỗi. Nhiều nơi xử lý tội phạm theo giáo luật hoặc luật tục của dòng họ, làng bản có tác dụng răn đe, giáo dục, ngăn ngừa tái phạm hiệu quả hơn các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hệ quả khác biệt, thậm chí đối lập nhau trong các vụ việc nêu trên chính là vấn đề có hay không việc phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc trong việc tham gia các quyết định cũng như thực thi các quyết định đó.

Đây là vấn đề lớn được Nhà nước quan tâm và đã đề cập trong nhiều văn bản, đặc biệt được thể chế hoá bằng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ban hành ngày 20-4- 2007. Pháp lệnh này là một bước phát triển mới trong việc thực hiện dân chủ, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền và thực hiện quyền tham chính của công dân. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, do đặc điểm cư trú chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, một bộ phận dân trí còn thấp... Nên có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với các văn bản chính sách, pháp luật, phương tiện thông tin đại chúng thì việc pháp lệnh quy định những hình thức công khai bắt buộc để thông tin được đến từng người dân và lấy được ý kiến của họ có ý nghĩa rất thiết thực và đặc biệt quan trọng. 

Việc thực thi Pháp lệnh trong đời sống những năm qua đã đem lại chuyển biến tích cực trong việc tạo được sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật đồng thời giảm bớt được những vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ở nhiều vùng DTTS.

Đi đôi với việc ban hành các văn bản pháp luật, hành chính để quyền tham chính của nhân dân được thực hiện, Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số DTTS phải dựa vào nhân dân các dân tộc để giải quyết các vấn đề ở vùng dân tộc. Trong đó, đặc biệt chú ý phát huy vai trò của người có uy tín trong DTTS và những yếu tố tích cực của luật tục, tập quán, vãn hoá truyền thống. 

Người có uy tín trong dân tộc là những người được nhân dân tín nhiệm, tin nghe, tiếng nói, việc làm của họ có tác dụng chi phối đối với cộng đồng. Họ vừa đại diện cho cộng đồng trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đối với chính quyền các cấp vừa có vai trò tích cực, hiệu quả trong vận động tổ chức đồng bào tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần thiết thực ương sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Người uy tín còn là hạt nhân đoàn kết cộng đồng, là người hòa giải có hiệu quả những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, họ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn văn hoá, tập quán tốt đẹp của dân tộc, chống lại sự xâm nhập tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai...

Trong phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, người uy tín với tư cách là người nắm giữ luật tục dân tộc, vận hành thiết chế xã hội truyền thống đã cảm hóa, thuyết phục được các đối tượng lầm đường, vi phạm pháp luật trở về làm ăn lương thiện. 

Xuất phát từ đặc điểm hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận đòng bào DTTS còn hạn chế nên dễ bị lừa bịp, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật và từ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, thay vì xử lý hình sự đối với những người vi phạm pháp luật, chính quyền nhiều địa phương đã áp dụng cho thân nhân bảo lãnh họ về sinh sống cùng gia đình, bản làng, giao cho người uy tín trong bản làng quản lý, giáo dục đi đôi với giúp đỡ, tạo điều kiện để họ tái hoà nhập cộng đồng. 

Nhiều người phạm pháp được cộng đồng xử lý theo giáo luật hoặc luật tục vừa có tác dụng giáo dục bản thân vừa có ý nghĩa giáo dục chung trong cộng đồng, bảo vệ những nét đẹp của truyền thống dân tộc, của gia tộc, dòng họ, làng bản và tính hướng thiện của tôn giáo. Trong trường hợp này, chính quyền kiểm soát để việc xử lý theo luật tục và giáo luật không cấu thành một hành vi vi phạm pháp luật mới.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo quyền tham chính của đồng bào các DTTS sẽ phát huy được tối đa truyền thống yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa cả nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội.

Hà Hoàng
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét