BẦU CỬ VÀ CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC



Bác tôi kể lại rằng: Ông nhớ mãi hình ảnh người giáo già trên bục giảng của thế hệ bác tôi với đôi mắt ngấn nước và ánh nhìn xa xăm trong bài giảng về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, khi nói về không khí của ngày hội ấy, ngày đầu tiên bước trên đường với tâm thế của người làm chủ, ngày đầu tiên ông thấy mình là một công dân… Đã bao nhiêu năm từ ngày ấy, ông giáo già của bác tôi nay không còn đứng trên bục giảng nữa và đã già yếu, nhưng đôi mắt xúc động và bài giảng say mê của ông ngày hôm ấy, những học trò trường huyện của thế hệ bác tôi không ai có thể quên. Thế hệ những người như ông, lưu giữ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc bằng những ký ức đẹp đẽ, huy hoàng như vậy.


Mùa xuân năm 1946 đã lưu lại trong ánh mắt tự hào và niềm xúc động không chỉ của ông giáo già trường huyện. Bởi lịch sử cũng đã ghi nhận, kể từ ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử toàn dân đã đưa quốc dân Việt lên một con đường mới, con đường làm chủ của một dân tộc có độc lập, tự do. Đã 60 năm qua kể từ mùa xuân ấy, không khí của một kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới không thể không khiến bác tôi nhớ về bài giảng của người giáo già năm xưa và câu chuyện về lòng yêu nước. 


Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã trở thành sự kiện chính trị quan trọng, được quan tâm nhất trong những ngày qua. Câu chuyện về quyền bầu cử và tự ứng cử đã trở thành đề tài mà những ai chỉ cần chút ít quan tâm đến tình hình đất nước đều lưu tâm. Và dường như, cũng có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh xung quanh câu chuyện “tự ứng cử”…


Khoan hãy bàn luận trên bình diện luật pháp. Ở đây tôi chỉ nhìn nhận vấn đề bằng cái nhìn của một công dân yêu nước. Để thấy rằng, đôi chỗ, đôi lúc, lòng yêu nước được hiểu chưa thật sự đầy đủ, quyền “tự ứng cử” đang trở thành công cụ cho những mục đích không thật sự vô tư.

Tôi biết câu chuyện tự ứng cử của một diễn viên đã từng thành công trên khắp các sân khấu lớn nhỏ, giọng cười và từng cái liếc mắt của anh đã giữ lại biết bao khán giả cho sân khấu kịch và điện ảnh Việt nhiều năm trước. Giá như anh đừng có những phát ngôn, bài viết gây sốc theo kiểu “lệch chuẩn” trên mạng xã hội, đừng lên tiếng bảo vệ những người lợi dụng các vấn đề nhạy cảm biểu tình gây rối thì có lẽ đã không trở thành tâm điểm để báo chi phê phán như những ngày qua. Và, giá như anh hãy cứ là người nghệ sỹ tận tâm trên sân khấu của mình thì có lẽ sẽ giữ lại nhiều điều có ý nghĩa hơn. Bởi có lẽ, việc trở thành đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân chưa thật sự phù hợp với anh.
Tôi cũng biết câu chuyện của một nhà văn tham gia tự ứng Đại biểu Quốc hội đã tuyên bố “vào Quốc hội để vận động xóa bỏ cái đuôi XHCN”. Chẳng cần phải nói đâu xa, bởi tiêu chí cơ bản của một đại biểu Quốc hội là trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp thì có lẽ anh nhà văn cũng chưa hiểu được, liệu có đủ tư cách để trở thành người được nhân dân đặt toàn bộ niềm tin. Thêm nữa, tôi không biết mục đích của anh khi tự ứng cử là gì, nhưng chắc hẳn mục đích ấy đi ngược lại với mục tiêu, con đường mà cả dân tộc đang tiến tới, con đường XHCN. Như vậy, liệu có bao nhiêu lá phiếu sẽ dành cho anh? 

Câu chuyện về những lời kêu gọi ủng hộ, vận động ứng cử qua mạng, xây dựng cương lĩnh tranh cử vẫn khiến tôi không khỏi băn khoăn về động cơ của nhiều người khi ứng cử đại biểu Quốc hội. Bởi một mặt tự vận động bỏ phiếu cho họ, những mặt khác lại lên án chế độ, phê phán chính quyền, câu hỏi đặt ra là liệu con đường mà những con người này theo đuổi là gì? Mục đích chính của họ để trở thành đại biểu Quốc hội là để xây dựng hay phá hoại chế độ, đất nước? Với nhiều người khác, việc ứng cử đại biểu Quốc hội được xem như “trò vui”. Đây không còn là câu chuyện thiếu nghiêm túc của một cá nhân, mà có lẽ đã trở thành thái độ thiếu nghiêm túc đối với lòng tin và kỳ vọng của nhân dân. 

Và bức thư gửi hội đồng bầu cử được một blog đăng tải cách đây không lâu cũng khiến tôi phải suy ngẫm. Câu hỏi mà tác giả bức thư đặt ra cho cơ quan bầu cử là: “Tại sao bạn tôi đều là những người yêu nước và quan tâm đến tình hình đất nước lại không được chấp nhận hồ sơ ứng cử?”. Xin thưa, chỉ bằng suy nghĩ thiển cận của cá nhân tôi đây, cũng hiểu được rằng: không phải cứ là người yêu nước và quan tâm đến tình hình đất nước đều có thể trở thành đại biểu Quốc hội. Bởi lòng yêu nước phải được đặt ở đâu, biểu hiện ra sao cho đúng chỗ; quan tâm đến tình hình đất nước không có nghĩa sẽ giải quyết tốt mọi vấn đề của đất nước. Câu chuyện về lòng yêu nước và nguyện vọng cống hiến cho đất nước có lẽ nên được nhìn nhận lại đúng hướng và trở nên có ý nghĩa hơn.

GIÓ
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét