TTO - Trong làng thể thao VN, hiếm ai có được một cuộc đời hậu VĐV thành công như Trương Hoàng Mỹ Linh – kỷ lục gia cự ly tốc độ một thời của điền kinh Việt. Cô gặp Tuổi Trẻ trong ngày 8-3 và "bật mí" câu chuyện cách đây 21 năm...
Mỹ Linh trong cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ sáng 8-3. Ảnh: S.H |
Gặp lại nhau cách đây không lâu. Mỹ Linh vẫn đầy vẻ khỏe khoắn, tươi trẻ như thuở nào, bất chấp chị năm nay đã bước vào cái tuổi 47, trở thành một người phụ nữ trung niên thành đạt trong công việc, một người mẹ hạnh phúc đường con cái. Mỹ Linh vui vẻ khoe với chúng tôi chuyện cô con gái 15 tuổi vừa sang du học Mỹ sau khi nhận được học bổng 60 % của một trường cấp 3, có giá trị lên đến khoảng 90.000 USD cho ba năm.
Giải đáp nghi vấn 21 năm
Cũng vì niềm vui của con, Mỹ Linh cho biết cách đây gần một năm chị đã có một quyết định bất ngờ: xin nghỉ làm để ở nhà vui vầy với cô con gái sắp sửa lên đường đi Mỹ. Mỹ Linh nói: “Trước đó, vì quá bận rộn với công việc mà tôi không dành được nhiều thì giờ cùng con, nay tôi muốn bù đắp nên chẳng cần nghĩ ngợi gì, tôi xin nghỉ việc ngay. Ban đầu còn tưởng là nghỉ luôn nhưng may mắn sau đó tôi vẫn được nhận trở lại công việc với vị trí cũ. Tôi chỉ mới đi làm lại hồi tháng 11 năm ngoái thôi”.
Trương Hoàng Mỹ Linh sinh năm 1969 tại TP.HCM, thống trị ngôi vô địch quốc gia cự ly 100m, 200m suốt từ năm 1986 cho đến 1995, và là kiện tướng điền kinh VN đầu tiên có mặt đủ các giải lớn như: SEA Games, vô địch châu Á, vô địch thế giới, Olympic. Đặc biệt hơn, kỷ lục quốc gia 11 giây 47 ở cự ly 100m do Mỹ Linh thiết lập vào năm 1993 thì phải đến hơn mười năm sau mới bị phá bởi "đàn em" Vũ Thị Hương.
|
Nói thì dễ vậy nhưng quyết định đó thực sự chẳng đơn giản chút nào. Mỹ Linh hiện là trưởng bộ phận tuyển dụng của Công ty bảo hiểm Manulife. Ngồi ở một vị trí quan trọng đến vậy, dưới quyền có đến hàng chục nhân viên nhưng đùng một cái, chị bảo nghỉ là nghỉ.
Mỹ Linh luôn là như vậy, mạnh mẽ, quyết đoán đến không ngờ. Trong suốt sự nghiệp VĐV lẫn hậu VĐV, Mỹ Linh vẫn thường đưa ra những quyết định bất ngờ đến nỗi nếu không phải là người thân thiết, sẽ chẳng có ai hiểu nổi. Điển hình như khi cô giải nghệ vào năm 1995 – thời điểm chị mới 26 tuổi và đang ở giai đoạn đỉnh cao. Đó cũng là một nghi vấn mà những người hâm mộ thể thao VN đến giờ vẫn còn thắc mắc, và chúng tôi cũng vừa được Mỹ Linh giải đáp sau hơn 20 năm.
Mỹ Linh (giữa) khi tranh tài cự ly 100m tại SEA Games 1991. Ảnh: HOÀI LÊ |
“Lý do giải nghệ tôi đưa ra khi đó là chấn thương. Đúng là có chấn thương thật, nhưng điều đó cũng chẳng xa lạ gì với giới VĐV. Tôi nghỉ chủ yếu là vì một câu chuyện khiến mình vừa buồn, vừa giận”. Theo lời kể của Mỹ Linh, năm đó chị gặp một chấn thương khá nặng, nhưng vẫn nỗ lực tập luyện, hồi phục để đạt được mục tiêu thi đấu ở SEA Games 1995 và Olympic Atlanta 1996 (Mỹ) rồi mới tính chuyện giải nghệ. Nhưng liền sau đó, chị lại bị "ép" phải thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc 1995, đến nỗi phải xịt thuốc ether để nén đau vào sân thi đấu.
Căn bệnh thành tích, những chuyện đời bạc bẽo của làng thể thao VN đã khiến Mỹ Linh cạn tình với đời VĐV chuyên nghiệp và cô VĐV 26 tuổi khi đó quyết định nói lời giải nghệ. Chị cũng kiên quyết từ chối luôn suất biên chế vào làm việc trong ngành thể thao thành phố. Và thế là Mỹ Linh bước sang một ngã rẽ hoàn toàn mới, trở thành biên tập viên ở ban vệ tinh của Đài truyền hình TP.HCM với tấm bằng trường ĐH Ngoại ngữ – tin học (HUFLIT) trong tay.
Đi lên nhờ tinh thần học hỏi, tự cường
Thời còn là VĐV, Mỹ Linh đã nổi tiếng về trình độ học vấn của mình, từng được tuyển thẳng vào trường cấp III Trưng Vương. Học rất giỏi nhưng đến kỳ thi ĐH năm 1987, Mỹ Linh đành chấp nhận bỏ qua cơ hội thi vào Y khoa như nguyện vọng của gia đình.
“Thời đó, tôi phải tập luyện suốt ngày, tới tối mới đi học nên hầu như chẳng còn chút thời gian rảnh nào. Gian nan nhất là mỗi khi đi tập huấn, phải cầm theo sách vở, tài liệu để tự học. Chỉ riêng khoản tiền fax quốc tế để gia đình tôi chuyển tài liệu nhà trường đang dạy lúc đó sang cho tôi cũng đã tốn đáng kể rồi. Cũng nhờ một phần vào sức ép từ gia đình mà tôi mới quyết chí không từ bỏ việc học” - Mỹ Linh kể.
Theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp, và cô dự định sẽ học tiếp khoa y học thể thao sau này. Đến năm 1992, Mỹ Linh nhận thấy dự định này khó trở thành hiện thực và rất nhanh, chị chuyển sang “kế hoạch B” – học tại chức tại Trường Ngoại ngữ và Tin học Sài Gòn (đến năm 1994 chuyển thành ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, hay còn gọi là HUFLIT) theo đúng thế mạnh về ngoại ngữ của mình. Đó cũng là những năm gian khó đặc biệt trong cuộc đời của nữ hoàng điền kinh.
Thời điểm ra trường cũng là lúc giải nghệ, Mỹ Linh vào làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM, vài năm sau chị chuyển sang làm ngành hàng không, rồi lại đến bảo hiểm. Khác với nhiều người chấp nhận một công việc ổn định, thu nhập cao yên ổn, Mỹ Linh luôn không ngừng thay đổi bản thân, không ngừng tiếp thu những cái mới…
Cũng chính tinh thần đó đã giúp chị gặt hái thành công thời còn là VĐV. Không chỉ về đích trước đối thủ, Mỹ Linh còn đi trước rất nhiều đồng nghiệp cùng thời bằng tinh thần tự học hỏi không ngừng của mình.
Những năm thập niên 1990, thời điểm khái niệm “khoa học thể thao” hầu như chưa tồn tại ở VN, Mỹ Linh đã có ý thức tìm tòi, lưu giữ lại các tài liệu thể thao của nước ngoài mỗi khi đi tập huấn. Về nước, Mỹ Linh đem các tài liệu đó dịch ra và cùng HLV của mình nghiên cứu cách áp dụng, thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện sao cho tân tiến hơn. Chính chị là người đã mang về những phương pháp tập luyện “lạ đời” trong giới điền kinh VN thời đó như mang dù khi chạy để quen với lực cản, đeo chì vào chân để tập cơ chân, sức bật…
Một thắc mắc thú vị khác mà Mỹ Linh đến giờ mới giải đáp cho chúng tôi là biệt danh “Tí điệu” ngày đó của chị. “Hồi đó, mỗi lần đi nước ngoài về, tôi lại tiếp thu nhiều cái mới, kể cả trong chuyện ăn mặc. Tôi còn nhớ khi đó bị dư luận chỉ trích là “Tây hóa”, và biệt danh “điệu” cũng ra đời từ đó. Nhưng tôi không thấy có gì sai khi ăn mặc đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn mỗi khi ra sân”, Mỹ Linh nói.
Hơn 20 năm sau ngày giải nghệ, Mỹ Linh nay đã thành đạt với một con đường chẳng chút liên quan gì đến thể thao. Nhưng không vì vậy mà chị cho rằng mình đã lãng phí hơn 10 năm cuộc đời với nghiệp điền kinh. “Cuộc đời khó nói lắm. Chưa chắc gì nếu tôi từ bỏ nghiệp thể thao khi đó thì sẽ thành công hơn. Quan trọng là phải quyết đoán, phải biết lựa chọn trước những cơ hội và tôi không có gì phải hối tiếc với những lựa chọn của mình”, Mỹ Linh nói.
"Mỹ Linh là "của hiếm" của thể thao VN"
HLV Nguyễn Đình Minh đã nhận xét như vậy về Trương Hoàng Mỹ Linh. Anh nói: "Tôi đến với điền kinh sau Mỹ Linh hai năm, nhưng lại có duyên ăn tập cùng nhau hơn chục năm liền. Mồ hôi, nước mắt và không ít lần máu đã tuôn rơi khi tập luyện trên đường chạy bằng đất nện hoặc lam nham nắp cống khi sân Hoa Lư được cải tạo trong hơn một năm dài.
Đó là cái thời đất nước vừa mở cửa, còn trăm bề thiếu thốn. Thầy không có giáo án hiện đại để hướng dẫn, trò thì tập, tập và tập mà không biết mình còn vướng nhược điểm gì để có được huy chương SEA Games hay châu Á. Chế độ đãi ngộ chẳng bù được cho mồi hôi, công sức bỏ ra.
Mỹ Linh thuộc hàng “của hiếm” của thể thao VN, nhưng sinh ra không gặp thời, dù cô ấy thống trị cự ly ngắn hơn chục năm liền. Điều đáng khâm phục với “nữ hoàng tốc độ” này là ngoài tố chất thể thao bẫm sinh thì cô còn có ý chí, niềm tin sắt đá, luôn tự mình đặt ra mục tiêu để nỗ lực vượt qua. Nói thì dễ nhưng không mấy người làm được vậy".
http://thethao.tuoitre.vn/tin/20160309/nu-hoang-dien-kinh-my-linh-va-chuyen-21-nam-moi-ke/1064221.html |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét