Trước khi Maria Sharapova thừa nhận sử dụng chất cấm, làng thể thao thế giới đã chứng kiến rất nhiều bê bối doping chấn động.
Tại Olympic Seoul 1988, VĐV chạy nước rút người Canada Ben Johnson đã phá kỷ lục thế giới ở cự ly 100 mét với thành tích 9 giây 79. Sau khi giành huy chương, Ben tuyên bố: “Tôi muốn tuyên bố rằng tên tôi là Benjamin Sinclair Johnson Jr và kỷ lục thế giới này sẽ tồn tại 50 hoặc 100 năm nữa.”
Nhưng ngay sau đó, Ben Johnson bị phát hiện phản ứng dương tính với chất stanozolol (chất phát triển cơ bắp và tăng hormone sinh dục nam) và bị tước huy chương. Có tới 6 trong tổng số 8 VĐV trên đường chạy cùng Ben Johnson cũng dính vào bê bối.
Johnson ra sức giải thích rằng có người đã bỏ stanozolol vào đồ uống của mình. Tuy nhiên bằng chứng là quá rõ ràng khiến ông cuối cùng cũng phải thừa nhận hành vi sai trái. Đây là một trong những scandal gây xôn xao hàng đầu lịch sử Olympic.
Lance Armstrong bị tước danh hiệu và cấm thi đấu
Ngày 22/10/2012, huyền thoại đua xe đạp người Mỹ Lance Armstrong chính thức bị tước cả 7 chức vô địch Tour de France, đồng thời bị cấm thi đấu vĩnh viễn sau khi bị kết tội gian lận thi đấu và tìm cách qua mặt các cuộc kiểm tra doping. 3 trong số 6 cộng sự cũ của Armstrong bị cấm hành nghề suốt đời.
Dù các mẫu thử nước tiểu của tay đua huyền thoại phản ứng âm tính với các chất bị cấm, nhưng có hơn 10 VĐV cùng thành viên đoàn đua làm chứng về việc Armstrong sử dụng các biện pháp bị cấm như truyền máu, sử dụng chất kích thích EPO, bơm testosterone…
Quy trình để che mắt nhà chức trách được thực hiện bởi nhiều nhân vật, trong đó có một kẻ lái mô tô bí ẩn chuyên cung cấp thuốc cấm cho đội của Armstrong, bác sĩ người Italy chuyên chỉ dẫn cho các cua-rơ cách sử dụng doping, thậm chí cả những nhân viên xoa bóp cũng bị lôi kéo thành kẻ đồng lõa.
Bê bối BALCO
Tháng 6/2013, Uỷ ban Phòng chống Doping Mỹ (USADA) nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh tố cáo một số vận động viên hàng đầu nước Mỹ sử dụng loại doping mới do phòng thí nghiệm đầy tai tiếng BALCO cung cấp. Đến năm 2004, ông trùm Victor Conte đứng đầu phòng thí nghiệm này đã lên truyền hình công khai về loại doping tổng hợp mới.
Ngay lập tức USADA vào cuộc điều tra và có kết quả không lâu sau. Nữ hoàng tốc độ Marion Jones bị tước toàn bộ 3 HCV tại Olympic Sydney 2000, đồng thời phải “bóc lịch” 6 tháng vì khai man. Người chồng Tim Montgomery từng giữ kỷ lục thế giới chạy 100m cũng bị cấm thi đấu 2 năm và từ giã sự nghiệp ngay khi có lệnh cấm.
Maradona bị đuổi khỏi giải
Sau khi chịu án cấm thi đấu vì sử dụng cocain tại World Cup 1990, Maradona vẫn “ngựa quen đường cũ”. Ở World Cup 1994, sau trận đấu với Nigeria, Maradon được chọn xét nghiệm doping. Và rồi “Cậu bé vàng” bị tống cổ về nước sau khi bị phát hiện dương tính với chất cấm Ephedrine.
Dù Maradona một mực cho rằng ông vô tội, với lý do vô tình dùng loại đồ uống tăng lực trong thành phần có chứa Ephedrine nhưng bằng chứng là không thể chối cãi. Sau bê bối, Maradona chính thức giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế đầy vinh quang.
Scandal doping của Đông Đức
Những cuộc điều tra cho thấy từ năm 1970 đến 1989, Đông Đức đã tiến hành chiến dịch “State Plan 14.25” tai tiếng, ép buộc hơn 10.000 VĐV dùng doping từ rất sớm. Khi đó các VĐV đều bị ép sử dụng chất Anabolic Steroid, chất tăng trưởng cơ bắp, thúc đẩy phân chia tế bào, tăng trưởng mô và cơ xương…
Nhờ doping, Đông Đức vươn lên trở thành cường quốc thể thao nhưng hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng. Do lạm dụng doping, nhiều VĐV mất cân bằng nội tiết tố, bị ung thư, các VĐV nữ còn bị vô sinh…
Tháng 10/2007, Ủy ban Olympic Đức thông báo bồi thường cho 157 VĐV trước đây của Đông Đức tổng số tiền 2,9 triệu euro.
Bê bối doping của điền kinh Nga
Tháng 11 năm ngoái, thể thao thế giới rúng động với scandal doping lớn hàng đầu lịch sử. Theo báo cáo của Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF), các quan chức môn điền kinh ở Nga đã che giấu việc sử dụng doping của vận động viên trong một thời gian rất dài.
IAAF ra phán quyết cấm thi đấu vô thời hạn với điền kinh Nga tại tất cả các giải đấu trên toàn cầu. Ngoài ra, Nga cũng mất quyền đăng cai World Cup Race 2016 (dự kiến diễn ra tại Cheboksary vào tháng 5) và World Junior Championships 2016 (dự kiến diễn ra tại Kazan vào tháng 7).
Sau đó, Uỷ ban Olympic quốc tế cùng IAAF ra điều kiện cắt đứt quan hệ với các quan chức thể thao, cán bộ, nhân viên, VĐV có dính đến bê bối doping, nếu Nga muốn có cơ hội thi đấu ở Olympic 2016. Phía Nga thực hiện cam kết làm trong sạch qua việc cấm thi đấu 4000 VĐV, siết chặt kiểm tra doping và sa thải nhiều quan chức.
Tuy nhiên, hôm 6/3 vừa qua, Đài truyền hình ARD/WDR của Nga đăng tải một đoạn video dài 30 phút đưa ra bằng chứng cho thấy một HLV hàng đầu đang bị đình chỉ vẫn tiếp tục làm việc ở tỉnh Gubkin xa xôi.
Ngoài ra, đoạn ghi âm của ARD/WDR còn cho thấy cuộc nói chuyện “bảo kê” doping của Anna Antselovich (người đứng đầu Ủy ban phòng chống doping Nga RUSADA) với một VĐV.
IAAF lập tức thành lập một đoàn kiểm tra dẫn đầu bởi chuyên gia doping người Na Uy Rune Anderson để điều tra bằng chứng trong đoạn video của ARD/WDR. Nếu có kết luận về sự gian lận, điền kinh Nga sẽ nhận án phạt bổ sung còn cánh cửa Olympic hè này chính thức khép lại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét