BÀN VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM (Phần 1)

Trong âm mưu chống Việt Nam của Mỹ và phương Tây thì tôn giáo là một lĩnh vực mà Mỹ đặc biệt quan tâm. Bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, lại có đông đảo tín đồ tham gia nên việc lợi dụng tôn giáo chống Việt Nam đã trở thành quy luật từ trước đến nay. Âm mưu của Mỹ và các thế lực thù chống Việt Nam rất rõ ràng, chúng thường lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, hòng tạo phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc và tín đồ tôn giáo là một thủ đoạn mà chúng thường dùng.
Chính vì vậy, cứ đến dịp tháng 3, tháng 9 hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới. Các tổ chức nhân quyền, các phương tiện thông tin của Mỹ và các nước phương Tây được dịp phụ họa, “tát nước theo mưa” tuyên truyền rùm beng về cái gọi là “vi phạm các quyền con người”, “quyền tự do tôn giáo trên thế giới”; trong đó, Việt Nam là một trong những nước bị chỉ trích nặng nề.

Một số đài báo quốc tế thường xuyên xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam
Trong đó, Mỹ và phương Tây với bản chất xuyên tạc và một thái độ áp đặt, thiên kiến chủ quan, đòi hỏi một “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; vẫn một thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen một cách thô thiển bất chấp thực tế về những thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Đương nhiên, mục đích của Mỹ và phương Tây như đã nói ở trên, họ muốn tạo sự hoài nghi về đường hướng lãnh đạo của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến tôn giáo và tự do tôn giáo. Đồng thời dùng miệng lưỡi diều hâu xuyên tạc sai sự thật về tình hình tôn giáo ở trong nước. Như một mũi tên trúng hai địch, việc làm trên của Mỹ và phương Tây vừa tạo phản ứng tiêu cực của các chức sắc cực đaon và số tín đồ cuồng tìm mong tạo dựng các vụ việc phức tạp mang màu sắc của tôn giáo hòng lật đổ chính quyền nhân dân và mục đích cao nhất là dùng sức mạnh của tôn giáo để lật để chế độ, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng; bên cạnh đó việc xuyên tạc sai sự thật này còn giúp Mỹ có cớ để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam hoặc sẽ đưa Việt Nam vào các nước thuộc nhóm “cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo”, với hình thức này Mỹ sẽ đưa ra nhiều lệnh cấm vận với Việt Nam nhằm hướng lái Việt Nam theo quỹ đạo mà Mỹ mong muốn.
Chúng ta đều biết, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 trong Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới năm 1948 và được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo, một tín ngưỡng; quyền tự do thực hành tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị giới hạn… Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Sự giới hạn đó là cần thiết nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác. Nói cách khác, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác…, đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Những tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và thực hiện quyền này trong hiến pháp, pháp luật của mình.
Đối với nước ta, Điều 70 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 11-5-2005 của Chính phủ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bình Nam
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét