Loạn đầu vào ngành Y

Lần thứ 2 ngành Y đa khoa của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị Bộ GD&ĐT tuýt còi yêu cầu dừng tuyển sinh. Vừa qua, trường thông báo chiêu sinh ngành này với mức điểm nhận hồ sơ là 18. Trong khi đó, các trường Y công lập đào tạo ngành này đều từ mức 24 điểm trở lên. Một lần nữa, những lo ngại sâu sắc về chất lượng đào tạo bác sĩ trong xã hội lại dấy lên.


Từ 18 đến 27 điểm
ĐH Kinh doanh và Công nghệ công bố điểm trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của trường là 18 điểm. Ngay sau đó, thông báo này gặp phản ứng của dư luận, trường nâng lên 20 điểm. Nhưng lập tức, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường dừng tuyển sinh ngành này. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, việc nhà trường đăng thông tin tuyển sinh ngành Y đa khoa là trái quy định, vượt cấp khi chưa có ý kiến chính thức của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.
Theo bà Phụng, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện theo đúng nội dung biên bản đã thống nhất của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 23/12/2015. Cụ thể, đối với ngành Dược học, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã kí trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo liên Bộ.
Với ngành Y đa khoa, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ, trong đó có 1 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học (Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Kí sinh trùng, Sinh lí bệnh Miễn dịch, Mô phôi), thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã kí trị giá 11 tỷ đồng.
Bà Phụng cũng cho hay, hiện Bộ GD&ĐT đang chờ ý kiến của Bộ Y tế thẩm định lại.
Tuy nhiên, với đào tạo Y đa khoa, không chỉ riêng ĐH Kinh doanh và Công nghệ lấy điểm chuẩn ở mức 18 - 20 điểm mà với những trường ngoài công lập có ngành này, điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa đều rất thấp. Theo thông báo của ĐH Võ Trường Toản, điểm trúng tuyển vào ngành Y đa khoa là 20 điểm. ĐH Buôn Ma Thuột, điểm trúng tuyển vào ngành này cũng bắt đầu từ 20. Tương tự ĐH Duy Tân 20 điểm, ĐH Tân Tạo 19 điểm.
Sinh viên Y khoa thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.

Cần chung một chuẩn
Năm 2015, dư luận cũng đã dậy sóng khi thấy ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép đào tạo Y đa khoa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chỉ đạo liên Bộ Y tế và GD&ĐT vào cuộc thẩm định lại. Kết quả, trường phải bổ sung nhân lực và trang thiết bị. Là người trong đoàn thẩm định của Bộ Y tế, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết với tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ngoài công lập có rất nhiều kẽ hở để “lách”. “Ở các trường công lập, các giảng viên đến độ tuổi nhất định phải về hưu.
Còn các trường ngoài công lập, danh sách giảng viên của trường lại thường là những người đã về hưu từ trường công lập. Trong ngành y, không phải ở lứa tuổi nào cũng cầm được dao mổ, không phải lứa tuổi nào cũng có thể đứng trước lớp giảng được 4 tiết đồng hồ” - ông Hinh chia sẻ.
Nói thêm về đội ngũ nhà giáo trong ngành Y, ông Hinh cho hay, ngành Y không chỉ có một bộ môn mà trong suốt quá trình học phải học đến hàng chục bộ môn. “Vậy môn sản, một giảng viên dạy suốt cả quá trình là xong? Môn phẫu thuật, cũng chỉ cần 1 giảng viên là đủ? Y là một ngành đặc thù, do đó, một bộ môn không thể chỉ có 1 giảng viên đảm nhiệm như ngành khác. Chỉ tính riêng bộ môn sản tại ĐH Y Hà Nội đã phải có gần chục giảng viên đứng dạy lý thuyết” - ông Hinh cho biết.
“Khi có chứng chỉ hành nghề thì mọi chuyện sẽ rõ ràng. Chắn chắn sẽ “lòi” ra một cơ số những người không làm được việc. Còn bây giờ cho các trường đào tạo, các trường chấm điểm, các trường cấp bằng thì sinh viên nào cũng đạt”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết khi chưa áp tiêu chí của Bộ Y tế vào đào tạo ngành Y, theo quy định của Bộ GD&ĐT, muốn mở ngành chỉ cần 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ. Trong khi đó, Y đa khoa là một tổ hợp các môn. “Trong 6 năm tôi học tại ĐH Y Hà Nội, tôi học 36 môn, mỗi môn trung bình chỉ 2 thầy đã là 72 thầy giảng dạy. Thực tế, các thầy dạy tôi ở Y Hà Nội tính đến con số hàng trăm, đó chỉ là các thầy dạy lý thuyết” - Thứ trưởng Cường cho hay.
Trong khi đó, danh sách giảng viên ngành Y đa khoa được ĐH Kinh doanh và Công nghệ công bố trước đó là 47 người (Bộ Y tế yêu cầu phải bổ sung thêm để đủ 50 người) thì phần lớn đều từ độ tuổi 60 trở lên.
Về chất lượng đầu vào đối với ngành Y, ông Nguyễn Đức Hinh cho biết đây là một yếu tố quan trọng. “Thí sinh 27 điểm sẽ có khả năng tiếp nhận kiến thức khác với thí sinh 20 điểm. Không thể có chuyện thí sinh đạt điểm 10 môn Toán, nhận thức giống thí sinh đạt điểm 2 môn Toán” - ông Hinh cho hay.
Cũng theo ông Hinh, ở các trường y ngoài công lập, có thể khẳng định chưa trường nào đủ điều kiện để đào tạo Y. “Không chỉ thiếu đội ngũ giáo viên, Y đa khoa còn liên quan đến rất nhiều vấn đề. Bệnh viện thực hành, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm. Nếu chỉ cần mấy bình thủy tinh xếp đó thì đơn giản” - ông Hinh cho biết.
Còn Thứ trưởng Lê Quang Cường thì cho hay về lý thuyết, các trường hoàn toàn có thể nhận hồ sơ từ mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Vì không có quy định nào về vấn đề này. Nhưng 18 điểm, 20 điểm tất nhiên sẽ khác 25, 27 điểm.
Thi chứng chỉ hành nghề quốc gia sẽ “lòi ra”
Giải pháp cho bài toán chất lượng nhân lực ngành Y trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quang Cường cho rằng phải thi chứng chỉ hành nghề. “Khi có chứng chỉ hành nghề thì mọi chuyện sẽ rõ ràng. Chắn chắn sẽ “lòi” ra một cơ số những người không làm được việc. Còn bây giờ cho các trường đào tạo, các trường chấm điểm, các trường cấp bằng thì sinh viên nào cũng đạt” - ông Cường khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, thi chứng chỉ hành nghề khác với thi trong các trường ĐH hiện nay, thi trong các trường ĐH hiện nay là thi kiến thức tại một thời điểm nhất định. Thi chứng chỉ hành nghề là thi năng lực hành nghề xem có hành nghề được không. Ví dụ: thi trong các trường ĐH, sinh viên bắt thăm vào câu hỏi mô tả các triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Nếu mô tả đúng đạt điểm cao. Nhưng chứng chỉ hành nghề thi khác, người ta đưa ra một trường hợp cụ thể, yêu cầu các bác sĩ phải chẩn đoán bệnh, đưa ra hướng dự kiến điều trị.
Ông Nguyễn Đức Hinh cũng cho biết thêm, vừa qua Hội đồng Y khoa quốc gia (gồm 18 trường ĐH Y, Dược công lập trên toàn quốc) đã họp và thống nhất mô hình 6 +3 và đã gửi văn bản lên tất cả các đơn vị liên quan. Trong đó, 6 năm gồm: 4 năm sẽ được cấp cử nhân y, 6 năm được cấp bác sĩ đa khoa, 7 năm sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. 9 năm sẽ được cấp bằng bác sĩ chuyên khoa. “Chúng tôi đã có văn bản gửi lên tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan và đề nghị áp dụng từ 2019. Vì liên quan đến thang bảng lương” - ông Hinh cho hay.
Mặt khác, theo ông Hinh, thời gian tới sẽ phải có kỳ thi cấp quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y.
Nguồn:http://dantri.com.vn/su-kien/loan-dau-vao-nganh-y-20160822091430841.htm
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét