BÀI HỌC TỪ VỤ KHỦNG BỐ Ở LONDON, ANH


Có thể mô tả khái quát về vụ việc khủng bố: bắt đầu từ 2h40 phút chiều 22/3, đối tượng khủng bố lái ô tô đâm điên cuồng vào những người đi bộ trên cầu Westminster ở London và hàng rào bên ngoài trụ sở quốc hội gần đó. Lái xe sau đó đã nhảy ra và dùng dao đâm chết một sĩ quan cảnh sát bên trong sân trụ sở quốc hội, trước khi bị tiêu diệt.

Kẻ tấn công khủng bố ngày 22/3/2017 ở London, Anh quốc đã được xác định là Khalid Masood, 52 tuổi, một công dân Anh từng có tiền án, tiền sự và cải sang đạo Hồi khi ở trong tù. Đối tượng này được cho là thực hiện vụ khủng bố một mình, dù tổ chức khủng bố IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ việc, nhưng các cơ quan điều tra của Anh chưa có đủ chứng cứ chứng minh mối liên lạc và sự chỉ đạo của IS với Masood, bởi đối tượng này sau đó đã bị cảnh sát bắn và chết trên đường đi cấp cứu. Neil Basu, Phó trợ lý cảnh sát trưởng London, phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi phải chấp nhận một khả năng rằng có thể chúng tôi sẽ không bao giờ hiểu được tại sao hắn làm điều này".

Diễn biến vụ khủng bố chỉ kéo dài 82 giây kể từ khi kẻ khủng bố lao xe vào người đi bộ trên cầu Westminster đến khi bị cảnh sát bắn hạ. Tuy nhiên, kết quả khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, 29 người bị thương, gây hoang mang cho dư luận quần chúng nước Anh và được coi là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất ở Anh trong vòng 12 năm qua.
Diễn biến hiện trường vụ khủng bố

Vậy, từ vụ khủng bố xảy ra ở Anh đặt ra những bài học kinh nghiệm gì đối với Việt Nam chúng ta?

Việt Nam chưa xảy ra khủng bố quốc tế và không có nhiều khả năng trở thành mục tiêu bị đối tượng khủng bố quốc tế, nhưng không có nghĩa Việt Nam không bao giờ xảy ra những vụ việc tương tự như trên.

Một số bài học kinh nghiệm:

- Kẻ khủng bố có thể sử dụng phương thức, phương tiện, vũ khí tinh vi, khó lường để tấn công, nhất là sử dụng phương tiện giao thông vận tải hoặc kể cả thuê mướn, cướp phương tiện giao thông vận tải để biến thành vũ khí tấn công mục tiêu khủng bố.

Ở Việt Nam hiện nay việc quản lý, sử dụng các phương tiện giao thông, nhất là phương tiện công cộng còn nhiều sở hở, bất cập; tình trạng, ý thức tham gia giao thông của người dân rất lộn xộn, yếu kém... đây hoàn toàn là điều kiện mà đối tượng khủng bố có thể chú ý để gây ra hành vi khủng bố hoặc vụ việc phức tạp khác liên quan đến an ninh, trật tự.

- Việc quản lý các mục tiêu quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa- xã hội ở nước ta cũng còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu, yếu... là yếu tố các đối tượng phạm tội chú ý và có thể lợi dụng tiến hành khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam.

- Tình trạng phản ứng của các lực lượng chức năng, bảo vệ pháp luật, xử lý các tình huống khẩn cấp về an ninh quốc gia (cảnh sát, phòng chống khủng bố, y tế...) cần phải chấn chỉnh theo hướng phù hợp với phương thức, thủ đoạn, tình hình hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi khủng bố, phá hoại của các loại tội phạm, trong đó có cả các loại tội phạm mang yếu tố nước ngoài, tội phạm khủng bố quốc tế.

BÌNH MINH
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét