Hàng loạt lô heo độc lén lút vận chuyển về TP.HCM giết mổ được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời nhưng thay vì buộc tiêu hủy thì cơ quan chức năng lại cho thương lái bán ra thị trường.
Ngày 31.5, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết vẫn đang lưu giữ 4 lô (325 con heo) có nguồn gốc từ Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai có dấu hiệu bơm nước bẩn trước khi đưa vào các lò mổ tại TP.
Trong đó có 3 lô đưa về cơ sở giết mổ Xuyên Á, 1 lô đưa về lò Tân Thạnh Đông (cùng H.Củ Chi). Qua làm việc, các chủ hàng đã thừa nhận số heo trên đã bị bơm nước bẩn trước khi vận chuyển về TP.HCM.
Trước đó, rạng sáng 14.5, Chi cục Thú y phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an TP.HCM kiểm tra, phát hiện 8 lô (623 con heo) có dấu hiệu bất thường từ các tỉnh chuẩn bị nhập vào cơ sở Nam Phong (Q.Bình Thạnh) giết mổ. Qua xét nghiệm, 623 con heo này đã bị thương lái bơm nước bẩn và tiêm chất acepromazine (thuốc an thần, cấm tiêm vào heo trước khi giết mổ). Thế nhưng điều đáng nói là những lô heo độc này rồi cũng sẽ được ưu ái cho sống 7 ngày để “đào thải độc”, sau đó giết mổ bán ra cho người tiêu dùng mua về ăn.
Biết nguy hiểm vẫn cho bán
Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, nhìn nhận heo bơm nước ngoài mục đích gian lận thương mại còn có nguy cơ làm thịt heo nhiễm khuẩn từ các nguồn nước bẩn được bơm vào. Còn việc tiêm thuốc an thần nhằm mục đích ức chế hệ thần kinh, làm heo không chết trên đường di chuyển, đồng thời làm thịt mềm, đỏ tươi, “đẹp mắt” sau khi giết mổ.
Nếu người ăn phải những loại thịt heo này sẽ có nguy cơ ngộ độc, nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, trước câu hỏi hành vi nguy hiểm như vậy tại sao chỉ xử phạt hành chính với mức phạt quá nhẹ, ông Phát cho rằng: “Chúng tôi cũng biết như vậy nhưng dù có muốn xử nặng hơn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng không được, do pháp luật đã quy định như vậy”.
Giải thích lý do vì sao không buộc tiêu hủy mà lại cho giết mổ bán ra thị trường, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thú y (Chi cục Thú y TP), nói quy định pháp luật hiện nay cho phép chủ hàng được tiếp tục giết mổ heo sau một tuần tạm giữ nên không thể tiêu hủy.
Chính ông Nguyên cũng thừa nhận tình trạng tiêm các loại thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ hiện nay là đáng báo động. “Đưa chất cấm vào heo trước khi mổ thịt là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; cho giết mổ heo trở lại sẽ không đủ sức răn đe với các thương lái”, ông Nguyên thừa nhận.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết vào những năm 1950, acepromazine được dùng làm thuốc chống loạn thần, trị bệnh tâm thần phân liệt (bệnh loạn trí). Nhưng sau đó thuốc này không được dùng chữa bệnh cho người nữa mà chuyển sang dùng trong thú y.
Do tác dụng làm dịu thần kinh nên acepromazine dùng làm thuốc an thần khiến những con vật hung dữ trở nên “hiền” hơn, dễ thuần hóa hơn. Nhưng “phải rất thận trọng” vì acepromazine có thể gây các phản ứng có hại, gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên.
“Việc dùng thuốc an thần cho heo trước khi vận chuyển đến nơi giết mổ hoặc trước khi giết mổ là hết sức nguy hại cho người dùng thịt heo vì tồn dư của thuốc trong thịt, lâu ngày tích tụ trong người sẽ gây bệnh”, ông Nam cảnh báo.
Vô đạo đức
Tiếp xúc với Thanh Niên, luật sư Trần Bá Học, Đoàn luật sư TP.HCM, bày tỏ quan điểm cho rằng hành vi sử dụng chất cấm, những loại hóa chất nguy hại đến sức khỏe con người là một hành vi vô cùng nguy hiểm, nó có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cả cộng đồng xã hội với thời gian lâu dài.
Thuốc an thần phát hiện tại một cơ sở giết mổ heo lậu trên địa bàn Q.12 - Ảnh: Mã Phong
|
Nếu vi phạm số lượng hàng trăm con heo với khối lượng hàng chục tấn mà chỉ xử phạt hành chính với mức 6 - 7 triệu đồng là quá nhẹ, không đủ sức răn đe bởi bằng cách này sẽ đem lại cho người giết mổ lợi nhuận lớn hơn nhiều so với số tiền bị phạt. Thêm vào đó, việc cho phép người vi phạm giữ gia súc sau 7 ngày rồi tiếp tục giết mổ để bán ra thị trường cũng là một cách xử lý không thể chấp nhận được, thiếu khoa học và thiếu đạo đức.
Theo luật sư Học, về nguyên tắc, khi phát hiện ra sai phạm như vậy thì phải tiêu hủy toàn bộ động vật, vật phẩm chứa chất độc nguy hại ngay để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Không có cơ sở khoa học nào có thể khẳng định chắc chắn rằng sau khoảng thời gian 7 ngày thì các chất độc có thể phân giải hết và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
“Nếu công khai cho người tiêu dùng biết số thịt này được giết mổ từ con vật đã bị tiêm chất cấm trước đó thì thử hỏi có người nào dám mua ăn không, vì thế, hành vi dù biết động vật đã có tiêm chất cấm nhưng vẫn giết mổ hoặc cho phép giết mổ bán ra thị trường, dù sau 7 ngày, là một việc làm vô đạo đức. Hơn nữa, nếu cho phép người vi phạm được tiếp tục giết mổ và kinh doanh số thịt bẩn đó thì làm sao đủ sức răn đe bởi họ không mất gì, như vậy thì làm sao họ biết sợ và chắc chắn sẽ tiếp tục tái phạm”, luật sư Học đặt vấn đề.
Nguồn: http://thanhnien.vn/thoi-su/biet-heo-doc-van-ban-cho-dan-an-708773.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét