Dù gọi đây là “một ngày buồn cho cả châu Âu và Vương quốc Anh” nhưng một số chính trị gia vẫn nói họ đã có sự chuẩn bị.
Một ngày buồn của châu Âu
Theo AFP, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông thấy tiếc nuối trước quyết định rời EU của người dân Anh, ông gọi đó là “một ngày buồn với châu Âu”.
Chia sẻ trên Twitter, chính trị gia này nói: “Các tin tức sáng sớm nay từ Vương quốc Anh thực sự không sáng sủa. Nó giống như một ngày buồn với châu Âu và với Vương quốc Anh”.
Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble chia sẻ: “Tôi đã hy vọng một kết quả khác. Giờ đây chúng ta phải nhìn về phía trước và ứng phó với hoàn cảnh. Các thủ tục cho việc ra khỏi Liên minh châu Âu đã được quy định rõ ràng và sẽ được áp dụng. Lúc này châu Âu sẽ đoàn kết bên nhau”.
Chủ tịch nghị viện EU Martin Schulz cho biết ông sẽ thảo luận với thủ tướng Đức Angela Merkel về cách thức đối phó để tránh xảy ra “hiệu ứng dây chuyền” tại các nước EU khác.
Ông Martin Schulz tuyên bố: “Phản ứng dây chuyền mà lúc này những kẻ ngờ vực châu Âu đang cổ vũ khắp nơi sẽ không xảy ra”.
Cũng theo chủ tịch nghị viện châu Âu, EU là một thị trường thống nhất lớn nhất thế giới và nước Anh đã vừa cắt đứt liên lạc với thị trường đó.
Ông Martin Schulz nói: “Điều này sẽ dẫn tới những hậu quả và tôi không tin các nước khác cũng muốn đi theo vết xe đổ này”.
Nói về kết quả trưng cầu ý dân, ông Martin Schulz cho biết: “Tôi không hề sốc. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị”.
Trong khi đó chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk nói: “Chúng ta kiên quyết sẽ giữ vững sự đoàn kết của khối với 27 nước… Tôi đề nghị rằng chúng ta sẽ bắt đầu một giai đoạn ngẫm nghĩ sâu hơn về tương lai của liên minh chúng ta”.
Nhiều người tự hỏi, sau khi Anh lĩnh ấn tiên phong, sẽ còn nước nào sẽ muốn rời EU? - Ảnh: Metro |
Châu Âu cần thay đổi?
Ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân được chính thức công bố tại Anh, một số chính trị gia, đặc biệt các chính trị gia thuộc các thành viên còn lại trong khối, đã lên tiếng cho rằng Liên minh châu Âu cần thay đổi nhanh chóng để tăng cường thêm các hỗ trợ với công dân trong khối.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg gọi quyết định ra đi của người Anh là “một tín hiệu từ những cử tri Anh và nhiều cử tri khác trên toàn châu Âu, những người cảm thấy rằng Liên minh châu Âu đang không có được những giải pháp đầy đủ trước các thách thức hôm nay”.
Thủ tướng Czech, ông Bohuslav Sobotka, cho rằng, việc Anh rời khỏi EU không phải là dấu chấm hết với EU. Do đó liên minh châu Âu nên đồng thuận để nước Anh ra đi “nhanh chóng và hợp lý”.
Bày tỏ quan điểm trên Facebook, ông Bohuslav Sobotka nói: “Liên minh châu Âu phải thay đổi nhanh chóng. Không phải vì nước Anh ra đi, mà vì liên minh châu Âu cần phải hỗ trợ mạnh hơn nữa các công dân trong khối. Châu Âu phải sẵn sàng hành động, phải linh hoạt, bớt quan liêu và nhạy cảm hơn nữa với sự đa dạng của từng thành viên trong 27 quốc gia còn lại”.
Cùng chung quan điểm, thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte cũng nói, việc Anh rời khỏi EU sẽ trở thành tác nhân kích thích buộc châu Âu phải có thêm nhiều cải cách chung trong toàn khối.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói: “Brussels phải lắng nghe tiếng nói của người dân, có một bài học lớn nhất từ quyết định này”.
Nhà chính trị Hungary phân tích: “Châu Âu sẽ chỉ mạnh nếu họ đưa ra được câu trả lời cho những vấn đề lớn như vấn đề nhập cư, những câu trả lời sẽ làm mạnh mẽ hơn chứ không phải làm cho châu Âu suy yếu. Nhưng châu Âu đã không thể đưa ra được những câu trả lời đó”.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski nói: “Đây là tin buồn với châu Âu, với Ba Lan… Chúng tôi vẫn đang cố gắng vận dụng tình huống này để thức tỉnh các chính trị gia châu Âu về việc tại sao điều đó đã xảy ra”.
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160624/lanh-dao-the-gioi-noi-gi-khi-dan-anh-chon-roi-eu/1124080.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét