Kết quả bầu cử Quốc hội khóa 14
Chiều ngày 9/6/2016, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 14. Ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban công tác đại biểu cho biết, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 là 870 người, có 496 người trúng cử. Tất cả 19 ủy viên Bộ Chính trị, 17 thành viên Chính phủ ứng cử đã trúng. Trong danh sách trúng cử, có 2 người tự ứng cử, 21 người ngoài Đảng, 317 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu.
Như vậy, so với Quốc hội khóa 12 và Quốc hội khóa 13 thì số lượng đại biểu ngoài Đảng giảm. Nếu như tại Quốc hội khóa 12 số lượng đại biểu ngoài Đảng là43 người, Quốc hội khóa 13 là 42 người, thì đến Quốc hội khóa 14 chỉ có 21 người trúng cử. Điều này cho thấy một thực tế rằng, số lượng người ngoài Đảng trúng cử ngày càng giảm dần mặc dù tỉ lệ người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội vẫn không hề giảm so với trước đây (trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, có 97 người ngoài Đảng (tương đương 11%) nhưng tới lúc bầu xong thì chỉ có 21 người trúng cử).
Vậy, vì sao số lượng đại biểu ngoài Đảng trúng cử ngày càng ít đi?
Liên quan đến vấn đề này, trong bài viết “Đại biểu quốc hội ngoài Đảng rất ít” được đăng tải trên BBC tiếng Việt, tác giả bài viết đã trích dẫn ý kiến của một số người, trong đó có GS Nguyễn Minh Thuyết và LS Lê Văn Luân.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói: Tỷ lệ đại biểu ngoài đảng thấp chưa từng có này “phản ánh một điều, đó là công tác tổ chức bầu cử chưa tốt, chưa giới thiệu được nhiều người ngoài đảng mà được quần chúng tín nhiệm, hoặc nói cách khác là cũng là chưa hoàn thiện những thiếu xót trong quá trình vận động bầu cử để người dân hiểu rõ các ủy viên để bỏ phiếu”.
Còn LS Lê Văn Luân thì phán: “Khi có cơ chế đảng cử thì đảng chắc chắn là cử người của đảng thôi, chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tỷ lệ như vậy thì 90 triệu dân là người ngoài đảng, trong khi đó 96% đại biểu là người trong Đảng, chỉ còn 4%, một tỷ lệ quá ít ỏi dành cho dân chúng. Vậy thì tiếng nói của người ngoài đảng là vô cùng thiểu số, gần như không có tác dụng trong Quốc hội”.
Nếu nói như GS Nguyễn Minh Thuyết và LS Lê Văn Luân thì rõ ràng họ đã phủ nhận hoàn toàn kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 đã được hơn 98% cử tri cả nước (gần 70 triệu cử tri tham gia bầu cử) bỏ phiếu.
Trong khi đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, cũng như kết quả của cuộc bầu cử này đã được người dân cả nước đánh giá cao. Việc số lượng đại biểu là người ngoài Đảng trúng cử ít hoàn toàn không có sự sắp xếp, cũng không phải do cơ chế mà đó là do sự lựa chọn của cử tri, của nhân dân.
Tại sao 100 Ủy viên trung ương Đảng lại trúng cử? Tại sao cả 19 Ủy viên Bộ Chính trị, 17 thành viên Chính phủ đều trúng cử? Câu trả lời rõ ràng và chuẩn xác nhất đó chính là sự lựa chọn của cử tri. Dù là Đảng viên hay người ngoài Đảng thì tất cả phải qua bầu cử, mà tham gia bầu cử là cử tri cả nước. Do đó, không thể nói rằng, có sự sắp đặt, có sự không minh bạch, cũng như Đảng cố tình loại những người ngoài Đảng ra khỏi Quốc hội.
Còn một vấn đề nữa mà một số người vẫn đang thắc mắc, đó là tại sao trong cơ cấu đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu là Đảng viên lại chiếm đa số thì xin nói rằng, ở bất kỳ cuộc bầu cử nào, ở bất cứ quốc gia nào, chính đảng nào cầm quyền, chính đảng đó sẽ nắm đa số ghế trong Quốc hội.
Đảng cầm quyền có vai trò rất quan trọng trong việc xác lập bộ máy nhà nước, vị trí cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương và địa phương, vị trí cán bộ chủ chốt thuộc các bộ phận cấu thành hệ thống quyền lực nhà nước. Ở Xingapo, Đảng cầm quyền PAP lãnh đạo Chính phủ và chi phối Quốc hội. Tại nước Anh, theo quy định của pháp luật, Nữ hoàng được quyền bổ nhiệm Thủ tướng - người đứng đầu bộ máy hành pháp với điều kiện người đó là thủ lĩnh của Đảng cầm quyền (tức Đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện).
Ở Mỹ, Đảng chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hạ viện bao giờ cũng là Đảng viên của Đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện, và là người có nhiều quyền lực nhất trong Quốc hội. Bên cạnh đó, sự chi phối của Tổng thống đối với Quốc hội cũng rất đáng kể. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, chịu trách nhiệm về hành động của mình trước cử tri toàn quốc theo quy định, nhưng do là một Đảng viên của Đảng cầm quyền và cũng là để thực hiện quyền lợi của Đảng, giữ uy tín cho Đảng, đồng thời cũng là đặt nền móng cho việc tái cử trong nhiệm kỳ sau nên mọi hoạt động của Tổng thống thường đi theo đường lối chính sách của Đảng đã hứa với cử tri khi vận động bầu cử.
Do đó, việc số lượng đại biểu Quốc hội khóa 14 đa số là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là chuyện bình thường và dễ hiểu, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, chính đảng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam. Bởi vậy, hãy đừng thắc mắc những chuyện đã rõ như ban ngày.
GIÓ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét