THỰC HƯ VẤN ĐỀ LÀO ỦNG HỘ LẬP TRƯỜNG CỦA TQ SAU PHÁN QUYẾT PCA?

Thông tin mới nhất bên lề sau sự kiện Toà án trọng tài quốc tế chính thức đưa ra phán quyết về vụ khởi kiện Trung Quốc của Philippines, mới đây nhất Lào (một trong 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc) đã đưa ra lời "tuyên bố hỗ trợ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài (PCA) mà Philippines đơn phương khởi xướng". 
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Sau khi thông tin này được phát đi, ngay lập tức trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng đã phát đi những lời lên án Chính phủ Lào và cá nhân ông Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khi đã sẵn sàng bán rẻ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, lâu đời với Việt Nam để bắt tay Trung Quốc và nhận lấy từ những món lợi ích mà nước này sẵn sàng cho đi để có thể thông qua Lào để chia rẽ Asean. Việc Lào cũng đang là quốc gia đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của Asean nên tiếng nói của họ vào thời điểm này có thể bị cộng đồng quốc tế hiểu lầm đó là sự đồng thuận của Asean cũng là mối nguy được cộng đồng mạng nhắc đến. 

Và xem qua thì cũng giống như tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Sen năm 2012 (thời điểm nước này đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của Asean), với nhiều cư dân mạng Việt, người Lào đã trở nên khó tin và rất đỗi tráo trở...
Tuy nhiên, người viết lại suy nghĩ khác, và chúng ta đang thực sự hiểu lầm người Lào, Chính phủ Lào và cá nhân Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong lời tuyên bố vừa qua. Xin được chỉ ra để những ai quan tâm hiểu và thấy được rằng cũng giống như Campuchia, Lào đang cho thấy họ hội nhập và ứng xử hài hoà tốt đến như thế nào trong tình huống vừa qua: 
Thứ nhất, cũng giống như Việt Nam, Lào ngoài là thành viên của Asean nhưng cũng là nước láng giềng với Trung Quốc, cho nên dung hoà mối bang giao với cả hai chủ thể là một yêu cầu có tính sống còn nếu Việt Nam hay Lào không muốn bị cô lập hay tẩy chay. Đó là chưa nói đến trong bối cảnh hiện tại Lào đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Asean, Trung Quốc là đối tác quan trọng của Asean nên với trách nhiệm đang gánh trên mình đối thoại với TQ là một nhiệm vụ mà Lào phải hoàn thành trước khi bàn giao cương vị này cho quốc gia tiếp theo.

Hiểu như thế để thấy rằng, Thủ tướng Lào cũng không có sự lựa chọn nào khác trong việc hội kiến với người đồng cấp phía Trung Quốc (Xem thêm: LÍ DO VIỆT NAM NÊN HỘI ĐÀM SỚM VỚI TRUNG QUỐC?). Lời tuyên bố mà thủ tướng Thongloun Sisoulith đưa ra trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường vì thế cũng là điều tất yếu phải xảy ra. Hay nói cách khác, điều này lí giải tại sao Thủ tướng Lào lại có cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc, họ không muốn thế nhưng chính các yêu cầu trong quan hệ quốc tế và vai trò họ đang đảm nhiệm nên họ phải thực hiện! 

Thứ hai, có một điều dễ nhận thấy là sở dĩ nhiều cư dân mạng chỉ trích cuộc hội kiến cũng như tuyên bố của Thủ tướng Lào trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc bởi tất cả những động thái đó ảnh hưởng tới quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp mà báo giới (cả Việt Nam và Lào) từng ca ngợi đó là mẫu hình cho quan hệ hữu nghị trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, mổ xẻ tuyên bố của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thì nó không hề ảnh hưởng tới những điều đã chỉ ra. 

Theo đó, Thủ tướng Lào chỉ tuyên bố "hỗ trợ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài (PCA) mà Philippines đơn phương khởi xướng". Nó khác hẳn với việc Lào tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Quay trở lại với cái gọi là "lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài (PCA) mà Philippines đơn phương khởi xướng" chúng ta sẽ thấy đó hoàn toàn là một việc có lợi cho Việt Nam, cho chủ quyền trên Biển Đông chứ không như chúng ta đang nghĩ. Cụ thể: Trước thời điểm PCA đưa ra phán quyết cuối cùng, dù là một phần không thể thiếu trong vụ khởi kiện do Philippines thực hiện (bị đơn) nhưng Trung Quốc đã tiến hành tẩy chay cuộc khởi kiện khi không cử bất cứ một phái đoàn nào tham gia tranh kiện tại Toà án Trọng tài quốc tế (PCA); họ cũng tuyên bố sẽ không công nhận phán quyết của PCA dù nó thế nào! 

Để lí giải cho hành động đơn phương của mình, phía Trung Quốc đã nhiều lần cho rằng, Philippines không xứng đáng để khởi kiện Trung Quốc. Suy ra từ điều này chúng ta sẽ thấy rằng, sở dĩ Trung Quốc không chấp nhận đơn khởi kiện từ Philippines bởi họ cũng chỉ là một trong nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang co hoạt động tranh chấp thực tế trên biển Đông. Philippines vì thế không có quyền đại diện cho tất cả các quốc gia có tranh chấp để khởi kiện Trung Quốc lên Toà án trọng tài quốc tế. Lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài (PCA) mà Philippines đơn phương khởi xướng vì thế cần được hiểu đó là Trung Quốc chỉ chấp nhận tham gia khởi kiện khi nào các nước có cùng tranh chấp cùng khởi kiện chứ không thể khi một mình Philippines thực hiện điều này! 

Từ điều này, đối chiếu với nội dung mà PCA phán quyết theo hướng ủng hộ Philippines sẽ thấy nó hoàn toàn có lợi cho Việt Nam bởi việc PCA ủng hộ Philippines vô tình đã loại bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có tranh chấp cũng như có quyền chủ quyền thực tế tại một số khu vực trên Biển Đông. Trong khi đó, việc tuyên bố trên của Thủ tướng Lào thực chất cũng đi đến một mục tiêu đó là không công nhận phán quyết của PCA. Câu chuyện mà người đứng đầu Chíh phủ Lào nói ra trong cuộc hội kiến với người đồng cấp Trung Quốc vì thế đã gặp gỡ với tuyên bố phản đối phán quyết của PCA của Chính phủ Campuchia. Để hiểu rõ hơn, tại sao việc phản đối phán quyết của PCA của Campuchia (nay là Lào) có lợi cho chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông thì xin xem thêm: * Phản đối phán quyết của PCA, Campuchia gián tiếp ủng hộ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông". 

Chân lý Lào chưa bao giờ "phản bội" lại Việt Nam vì thế là một thứ có thật. Và để có thực hiện được nó, cũng giống như Campuchia, họ đã phải rất sáng tạo và linh hoạt để vừa không ảnh hưởng tới Việt Nam song không làm phật ý ông lớn Trung Quốc. Bởi theo thông tin của người viết thì hiện tại Lào đang rất cần Trung Quốc để hoàn thiện rất nhiều công trình tầm cỡ quốc gia, điển hình là đường sắt Trung Quốc - Lào dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016 này! 

Câu chuyện chúng ta đang nói đây, một lần nữa cho thấy trong quan hệ quốc tế đương đại không dễ gì một nước nhỏ, bé như Việt Nam và Lào có thể luôn duy trì quan điểm, các giá trị truyền thống của chính mình. Việc bị chi phối bởi các nước lớn cũng như việc đan xen về mặt lợi ích khiến cho những thứ nguy cơ như trở mặt nhau dù trước đó rất thân thiết trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Song, thêm một lần nữa cả người Lào và Campuchia cho thấy họ đã thông minh và sáng tạo như thế nào để có thể vượt qua khe cửa hẹp do chính Trung Quốc tạo ra để giữ mãi tình hữu nghị trong sáng, thuỷ chung với Việt Nam! Và riêng điều này, chúng ta cần biết ơn họ thay vì vội vàng quy cho họ những tiếng xấu không nên có!

Lan Hương
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét