500 TRIỆU USD LIỆU CÓ NÊN LÀ CON SỐ CUỐI CÙNG?

Quay lại vấn đề 500 triệu USD của Công ty Formosa cam kết bồi thường cho phía ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau khi xác định được chính xác thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết. Xung quanh vấn đề này hiện nay có rất nhiều luồng thông tin khác nhau, trong số đó nổi lên một thắc mắc của số đông người dân rằng: 500 triệu USD mà Công ty Formosa đã bồi thường liệu có phải là con số cuối cùng hay còn gì nữa khác? Để trả lời câu hỏi này, tác giả muốn làm rõ một số điều như sau:

Trước hết cần phải nhận thấy rằng, FORMOSA là một công ty của Đài Loan được liên doanh sản xuất rất nhiều nơi trên thế giới như Đức, Campuchia, Mỹ… và ở những nơi đó hậu quả về môi trường mà các khu công nghiệp của công ty này để lại cũng đã từng được lên án và có hình thức xử lý thích đáng. Tuy nhiên về cơ bản những chế tài mà các quốc gia đó đưa ra phần nhiều đều trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, không có sự tranh tụng trước một phiên tòa quốc tế nào cả. Những con số bồi thường mà phía Công ty Formosa đưa ra đều trên cơ sở thỏa thuận và được các bên đồng ý chứ không có sự ép buộc nào.

Đến đây, chúng ta lại nhớ đến trường hợp vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico (Deepwater Horizon) hồi năm 2010. Xuất phát từ một sự cố kỹ thuật, giàn khoan dầu Deepwater Horizon của hãng dầu khí BP (Anh) bị phát nổ phía Tây Nam bờ biển Louisiana, Mỹ. Tai nạn này khiến giàn khoan bốc cháy và chìm, gây ra tràn dầu tại vùng Vịnh Mexico, ảnh hưởng nặng nề đến ngành ngư nghiệp và du lịch của các quốc gia xung quanh khu vực này. Sau hơn 5 năm điều tra, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu hãng dầu khí BP phải trả 20,8 tỷ USD cho sự cố này. Vậy, cũng với bản chất tương tự như vậy, tại sao Công ty Formosa lại không bị khởi kiện bởi một tổ chức nào đó của quốc tế hay chính của Việt Nam. Và rằng với số tiền mà phía bên Công ty Formosa đưa ra như vậy liệu có phù hợp và có thể khắc phục được tất cả những hậu quả đã xảy ra hay không? Tiếp đó, phía bên Việt Nam có nên tiến hành một vụ kiện để đòi bồi thường nhiều hơn con số 500 triệu USD hay không?

Câu trả lời đã được bao hàm luôn trong thỏa thuận của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam với Công ty Fomosa vào ngày 30/6 vừa qua. Với thỏa thuận 5 điểm khắc phục như vậy (đã bao gồm cả bồi thường thiệt hại và cam kết khắc phục), phía Công ty Formosa tự đưa ra thỏa thuận và được phía Việt Nam đồng ý. Sự đồng ý của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam không phải là sự thể hiện một cách xuôi chiều, nhu nhược mà đó là quyết định đưa ra dựa trên những cơ sở nhất định và hoàn toàn mang tính hợp lý. Thử nghĩ rằng, nếu chúng ta khởi kiện Công ty Formosa ra một tổ chức nào đó, chắc chắn rằng chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mới tiến hành có hiệu quả được. Như vụ kiện hãng dầu khí BP vừa nêu trên, Chính phủ Mỹ cũng đã mất đến 5 năm mới có thể tiến hành được). Vậy, liệu rằng chúng ta có đủ sức theo đuổi một vụ kiện như thế hay không?
Ban lãnh đạo Công ty Formosa công khai cúi đầu xin lỗi, ảnh: internet
Hơn nữa, với thông điệp mà Việt Nam muốn gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng, qua sự việc của Công ty Formosa Việt Nam "đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại”. Khi phía Công ty Formosa có thể hiện có thiện ý, Việt Nam sẵn sàng chấp nhận trên cơ sở họ cần phải tôn trọng pháp luật Việt Nam và khi vi phạm họ sẽ bị chế tài.

Bên cạnh đó, ngoài việc đưa ra con số bồi thường 500 triệu USD, phía Công ty Formosa cũng đã chấp nhận giải quyết và khắc những hậu quả còn lại đã xảy ra. Do đó, mỗi chúng ta không nên băn khoăn hay thắc mắc rằng, với 500 triệu USD thì liệu rằng con số đó đã đủ hay chưa? Điều mà chúng ta cần thiết quan tâm bây giờ đó là việc Công ty Formosa sẽ giải quyết và khắc phục hậu quả đã xảy ra như thế nào.

Lan Hương
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét