LIỆU “60 PHÚT MỞ” CÓ XÚC PHẠM ĐẾN NGƯỜI LÀM TỪ THIỆN?

Thời gian gần đây, sau 60 phút mở "đấu tố" MC Phan Anh, VTV lại khiến cộng đồng mạng bức xúc với chương trình “60 phút” ngày 4/6 với chủ đề "Người ta làm từ thiện vì ai?". Vậy thực hư về chương trình này như thế nào?

Trong cuộc trò chuyện, TS. Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ một quan điểm, về hệ lụy lâu dài của việc nếu mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo. Theo ông, hành động này về lâu về dài sẽ có tác động làm mất bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Cùng với đó là câu hỏi: “Các bạn đi làm từ thiện là vì ai, và để làm gì?” của nhà báo Tạ Bích Loan đã khiến cộng đồng mạng đã hết sức phẫn nộ.
Nhà báo Tạ Bích Loan trong 60 phút mở  chủ đề "Người ta làm từ thiện vì ai"
Chúng ta khoan hãy phán xét đúng sai phải trái ở đây mà nên có một góc nhìn khác về vấn đề này. Dường như người ta chỉ biết sỉ vả ông tiến sĩ và MC chương trình mà quên nhìn vào thực tế rằng chúng ta đang nhìn cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới góc nhìn văn hóa Kinh. Chúng ta nhìn những đứa bé dân tộc cởi truồng, không giày dép rồi hiển nhiên mặc định các em đang thiếu thốn. Điều chúng ta không thấy đó là không phải các em thiếu thốn mà bởi các em không thích mặc quần, sợ đi giày đi ủng. Các em không đi học không phải các em không được đi học mà đa phần là các em không thích đi, ngại học con chữ. Bởi vì thế hệ ông bà cha mẹ các em đều đã sinh sống như thế. Các em mang văn hóa của dân tộc mình, của vùng miền. Đó là một thực tế hiển nhiên không thể chối bỏ.
Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nhưng có những người làm từ thiện đâu phải vì thực tâm, đâu phải vì người dân nghèo khó??? Hoặc làm từ thiện không đúng cách vô hình chung biến cộng đồng người nhận trở thành kẻ được bố thí. Trẻ em bỏ học, người lớn ở nhà không chịu đi cày mà chỉ trông chờ vào đồ từ thiện. Người ta đói, đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng ai có thể mòn kiếp rong ruổi đến tất cả những nơi có hoàn cảnh khó khăn để làm từ thiện, để lo cho họ từng miếng ăn, áo mặc hàng ngày, hàng tháng…
Thay vào đó, chúng ta nên gây dựng những cái lâu dài hơn, giúp bà con có kiến thức cũng như khả năng tự thoát khỏi đói nghèo như dạy họ lao động sản xuất, bám đất bám rừng, quản lý tài chính …Có như vậy mới có thể thoát nghèo bền vững, mới có thể đồng hành cùng sự phát triển đi lên của đất nước.
Làm từ thiện ý nghĩa thật nhưng phải làm sao để họ nhận thức được phát triển kinh tế, đủ ăn đủ mặc, đủ lo cho con cái họ mới là điều quan trọng. Mỗi người cũng nên có góc nhìn đa chiều, đánh giá mọi việc một cách toàn diện khách quan hơn. Chung quy lại chương trình cũng chỉ có một mục đích duy nhất là làm sao chúng ta hiểu được làm từ thiện và cách làm từ thiện như thế nào là phù hợp và có hiệu quả mà thôi!
HỒNG HÀ
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét