Sau Võ An Đôn, lại một ứng cử viên “hụt” ĐBQH khóa XIV nữa là luật sư Lê Văn Luân lên tiếng “bình loạn” sau khi Chính phủ công bố kết luận về nguyên nhân cá chết tại một số tỉnh Miền Trung và “thủ phạm” là Công ty Formosa phải thừa nhận việc gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết, cam kết bồi thường, khắc phục hậu quả. Theo đó, trong một bài viết được đăng tải trên trang FB cá nhân, Lê Văn Luân lớn tiếng khẳng định: “84 ngày là con số quá dài để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa quốc gia”.
Luật sư Lê Văn Luân (Ảnh FB nhân vật) |
Lê Văn Luân phân tích chỉ bằng “dự đoán của người dân” là có thể buộc tội được Formosa trong khi đó chính quyền phải cần đến 84 ngày để tìm ra được “thủ phạm”. Hành động ăn hải sản hay tắm biển của một số “quan chức” tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng sau khi Bộ Y tế đã lấy mẫu hải sản và nước biển để phân tích và khẳng định các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người là việc kích động người dân đi vào chỗ rủi ro, nguy hiểm. Thậm chí, vị luật sư này còn cho rằng số tiền 500 USD mà công ty Formosa cam kết bồi thường là “kết quả của một sự dàn xếp giữa chính quyền và kẻ thủ ác”…
Rõ ràng, đây là những nhận định mang tính quy kết, suy đoán một chiều không dựa trên bất cứ một cơ sở xác thực nào của luật sư Lê Văn Luân. Thực chất những luận điệu này của Lê Văn Luân không có mục đích nào khác là nhằm tạo nên nhận thức lệch lạc, dẫn dắt dư luận theo hướng “Nhà nước đã không vào cuộc, chưa bảo vệ quyền lợi của ngư dân” và “Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã câu kết, đồng lõa với Formosa trong việc cấp phép xả thải”, “Nhà nước và Formosa đã câu kết, đồng lõa với nhau trong việc công bố nguyên nhân cá chết và các cam kết khắc phục sự cố môi trường”; từ đó gây tâm lý phẫn lộ trong ngư dân, biến sự cố ngoài ý muốn trở thành cái cớ công kích, chống phá chính quyền.
Bài viết được Lê Văn Luân đăng tải trên trang FB cá nhân |
Cần khẳng định rằng, việc buộc được Formosa phải “tâm phục khẩu phục” thừa nhận là thủ phạm gây ra cá chết và chấp nhận chịu trách nhiệm xã hội và môi trường đối với Việt Nam là một thành công lớn của các cơ quan chức năng chỉ sau 84 ngày. Bởi lẽ, khó khăn không phải là chỉ ra “thủ phạm” mà còn tìm đủ luận cứ khoa học và cơ sở pháp lý để kết tội. Hơn thế nữa, Formosa là một tập đoàn xuyên quốc gia, vấn đề kiện tụng họ có nhiều kinh nghiệm và đủ tiền thuê Luật sư quốc tế “chơi” lại Việt Nam nếu Việt Nam không làm chặt chẽ khâu điều tra. Nếu như Bộ Tư pháp Mỹ và Cơ quan Bảo vệ Môi trường đã mất 20 năm (từ 1993 - 2013) để thu thập đủ chứng cứ và buộc các nhà máy Formosa ở bang Texas và Louisiana bồi thường vì xả chất thải độc hại ra không khí và nguồn nước; Nhật Bản cũng mất gần 2 năm, Cambodia mất 3 năm điều tra mới hoàn thành hồ sơ và buộc Formosa cúi đầu nhận lỗi thì có thể thấy nhận định “Việt Nam phải mất 84 ngày để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường” của luật sư Lê Văn Luân là hoàn toàn không có cơ sở.
Còn về số tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường chỉ là một trong 05 nội dung mà công ty này cam kết trước Chính phủ và người dân các tỉnh miền Trung. Tuy 500 triệu USD dù chưa phải là con số quá lớn, nhưng đây là mức đền bù kỷ lục mà một doanh nghiệp nước ngoài phải nộp phạt vì hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta đã buộc được Công ty Formosa phải thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung và có những biện pháp khắc phục hậu quả cùng những cam kết nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Nói vậy để thấy, việc Lê Văn Luân cho rằng số tiền 500 USD mà công ty Formosa cam kết bồi thường là “kết quả của một sự dàn xếp giữa chính quyền và kẻ thủ ác” là hoàn toàn không cơ sở, khi đây chỉ là những nhận định mang tính quy kết, xuyên tạc bản chất thực của vấn đề./.
Hà Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét