NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT ĐƯỢC CÔNG BỐ VÀ NHỮNG "NGHI VẤN" CỦA LS VÕ AN ĐÔN

“Chính quyền có bao che công ty Formosa không?” là câu hỏi được ứng cử viên “hụt” ĐBQH khóa XIV, luật sư Võ An Đôn đặt ra sau khi Chính phủ công bố kết luận về nguyên nhân cá chết tại một số tỉnh Miền Trung và “thủ phạm” là Công ty Formosa phải thừa nhận việc gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết, cam kết bồi thường, khắc phục hậu quả. 

Đặt ra câu hỏi “Chính quyền có bao che công ty Formosa không?”, luật sư Võ An Đôn đã đưa ra 2 nhận định:

- Một là, “Số tiền 500 triệu USD là quá ít ỏi so với thiệt hại môi trường mà Formosa đã gây ra”.

- Hai là, “Vì kẻ thực hiện tội phạm đã nhận tội nên hôm qua (ngày 30/6/2016) Chính phủ Việt Nam mới công bố nguyên nhân cá chết cho toàn thể nhân dân biết”.
Rõ ràng, đây lại là một sự xuyên tạc, bóp méo thông tin xung quanh sự cố môi trường tại một số tỉnh Miền Trung của luật sư Võ An Đôn, bởi lẽ:

1. Không khó để nhận biết thủ đoạn cắt khúc, chia nhỏ thông tin nhằm cung cấp cho dư luận cái nhìn sai lệch, từ đó áp đặt những thông tin sai trái mà luật sư Võ An Đôn đã sử dụng. Đúng là số tiền 500 triệu USD mà công ty Formosa cam kết sẽ bồi thường cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam sau vụ cá chết vừa qua là không lớn; nó cũng không thể so sánh với những thiệt hại mà môi trường biển cũng như những người dân sống bằng nghề đánh bắt, du lịch từ biển phải gánh chịu trong thời gian qua, nhưng đây là chỉ là một trong 05 nội dung mà công ty này cam kết trước Chính phủ và người dân các tỉnh miền Trung. Điều quan trọng là chúng ta đã buộc được Công ty Formosa phải thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung và có những biện pháp khắc phục hậu quả cùng những cam kết nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, Hoa Kỳ từ 1993 - 2013 mới đủ chứng cứ để bắt Formosa nhận tội và chịu mức phạt là 18,5 triệu USD; Nhật bản mất gần 2 năm, Cambodia mất hơn 3 năm để phạt Formosa 3 triệu USD/1 nước… trong khi đó, Việt Nam chỉ mới hơn 2 tháng đã buộc được Công ty Formosa phải thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, bồi thường 500 triệu USD cùng những cam kết khắc phục hậu quả môi trường, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Đánh giá một cách quan thì những nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc xử lý và khắc phục hậu quả sự cố môi trường ở vùng ven biển một số tỉnh Miền Trung là không thể phủ nhận.
Luật sư Võ An Đôn (Ảnh Internet)
2. Thực tế thì, ngay khi hiện tượng cá chết bất thường tại một số tỉnh Miền Trung xảy ra, Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời tới các cơ quan chức năng để triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại và nhanh chóng xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật. 

Việc Formosa chính thức thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt không phải là động thái tự thân của công ty này bởi cũng giống như những tên tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, chúng sẽ không đời nào thừa nhận ngay hành vi của mình. Bên cạnh đó, Formosa có một thị trường rộng lớn trên thế giới, đụng độ pháp lý với nhiều quốc gia, do vậy, vấn đề kiện tụng họ có nhiều kinh nghiệm và đủ tiền thuê Luật sư quốc tế “chơi” lại Việt Nam nếu Việt Nam không làm chặt chẽ khâu điều tra. Khách quan nhận thấy rằng, vấn đề buộc được Formosa phải thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung và có những biện pháp khắc phục hậu quả cùng những cam kết nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là kết quả của việc vừa cố gắng sớm tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá chết và sử dụng các bằng chứng khoa học để đấu tranh buộc công ty này phải thừa nhận sai phạm của mình từ Chính phủ và các cơ quan chuyên môn./.

Hà Huy
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét