XÉT XỬ TRỊNH XUÂN THANH ĐẦU NĂM 2018: TÍN HIỆU TÍCH CỰC

Theo thông tin được đăng tải công khai trên nhiều trang báo lớn, uy tín thì vụ án “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) của Trịnh Xuân Thanh sắp được xét xử vào năm 2018. Có lẽ ngay lúc này, dư luận đã và đang quan tâm và chờ đợi một bản án nghiêm khắc trước pháp luật đối với Trịnh Xuân Thanh. 

Cụ thể là, sáng 25/11 vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức phiên họp thường kỳ tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để đưa ra phương hướng sớm xét xử một loạt các vụ tham nhũng; trong đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trước hết cần tập trung xét xử công minh “vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank), tập trung làm cho bằng được, lần lượt đưa ra xét xử trong năm 2017, tháng 1 và đầu tháng 2/2018, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, đồng thời phải tích cực, quyết liệt hơn theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị”.

Và hôm nay (4/12), tại phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Chính thêm lần nữa cho biết vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ được đem ra xét xử trước Tết nguyên đán 2018.

Về phần Trịnh Xuân Thanh, con người đã quá nổi tiếng bởi việc chạy trốn khỏi trách nhiệm của một công dân, một người đàn ông trong gia đình thì đây có thể là con đường, cơ hội để ông lấy lại danh dự. Bởi lẽ, trước đây, Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí, trực thuộc Tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại đây từ 2011 đến 2013 Trịnh Xuân Thanh đã làm lỗ và thất thoát một số tiền lên đến 3200 tỉ đồng.

Từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhưng do những sai phạm của mình, ngày 6-8/9/2016, tại kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Đến ngày 19/8/2016, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ một tháng (3/8-2/9) để đi nước ngoài trị bệnh và từ đó không rõ tung tích. Sau đó, Bộ Công an Việt Nam phải ra Lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh vào tháng 9 năm 2016. Và sau gần 1 năm lẩn trốn ở nước ngoài, cuối tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú chịu tội để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Có thể khẳng định: vụ việc Trịnh Xuân Thanh là điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay. Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại, chưa bao giờ quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về vấn nạn này lại cao như vậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định “không có vùng cấm trong việc chống tham nhũng”, “nói đi đôi với làm”. Minh chứng là thời gian qua, nhiều đối tượng, nhiều vụ việc đều bị xử lý nghiêm minh, bất kể cán bộ vi phạm là ai.

Dư luận đang chờ đợi vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ được minh bạch xử lý công khai, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp. Trên hết, quần chúng nhân dân luôn ủng hộ việc các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng khác và công tác phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu quả, đi vào chiều sâu.
 
HOÀNG KHOA
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét