MẬU THÂN 1968 - NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH

Sau năm 1960, Mỹ ngày càng leo thang và dấn sâu vào chiến tranh Việt Nam. So sánh tương quan lực lượng giữa Mỹ và quân giải phóng Việt Nam, quân đội Mỹ chiếm hết ưu thế về vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại. Điều này khiến Mỹ tự tin vào chiến thắng trong tầm tay.

Đến cuối năm 1967, quân Mỹ tại Việt Nam đã tăng từ vài chục vạn đến hơn nửa triệu quân. Mỹ thực hiện chiến thuật phản công tìm diệt quân giải phóng miền Nam, mở nhiều chiến dịch đánh phá bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm phá hoại tất cả các mục tiêu quân sự chính trị, kinh tế, xã hội, kể cả hệ thống đê điều, thủy lợi, dân cư; ra sức đánh phá toàn bộ hệ thống đường giao thông và vận tải chiến lược trên đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người sức của từ miền Bắc vào miền Nam… đến thời điểm này, Tổng thống Johnson vẫn tin rằng Mỹ sẽ kết thúc chiến tranh và rút quân khỏi Việt Nam bằng một thắng lợi quân sự.

Tuy nhiên, quân và dân ta đã anh dũng đấu tranh, làm kẻ địch bị thất bại nặng nề và buộc phải chuyển sang thế bị động, phòng ngự về chiến lược. Ðến cuối năm 1967, Cách mạng miền nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, tạo cục diện chiến lược có lợi cho ta. Thất bại nặng của hai cuộc phản công mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967 cùng với thất bại của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc đã đặt quân Mĩ - Ngụy đứng trước tình thế tiến lui đều khó.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam, giành thắng lợi quyết định: "...động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất,... để giành thắng lợi quyết định".


Yêu cầu của cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa là tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân Ngụy và Ngụy quyền Sài Gòn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mĩ, đánh bại ý chí xâm lược của Mĩ, buộc Mĩ phải chịu thua trong cuộc chiến tranh.
Để phân tán, kiềm chế và tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ, ngày 20/1/1968, bộ đội Việt Nam mở Chiến dịch đường 9 – Khe Sanh (còn được gọi là "Chiến dịch Đường 9" hay "Trận Khe Sanh") tiến công quân Mĩ, tạo thời cơ cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam.

Đêm giao thừa tết Mậu Thân (tức đêm 30, rạng ngày 31/1/1968), cuộc tập kích đã diễn ra đồng loạt ở 36 trong 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam; tiến công vào 64 thành phố, thị xã (khoảng 1/4 trong số 248 quận lỵ); tiến công hoặc tập kích hoả lực vào 49 sân bay (trong đó có 13/14 sân bay cấp 1 và cấp 2), hàng trăm kho tàng và hầu hết các hệ thống giao thông thuỷ bộ quan trọng.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, bộ đội Việt Nam tiến công Toà đại sứ Mĩ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, Sân bây Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mĩ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Tại Huế, từ ngày 31.1.1968, quân dân Việt Nam chiếm lĩnh và làm chủ thành phố trong 25 ngày (địch chỉ còn cố thủ ở đồn Mang Cá, Tam Thai, Nam Giao). Chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều khu vực.
Trong 45 ngày chiến đấu, quân và dân miền Nam Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 quân địch (có trên 40.000 quân Mĩ); bắn rơi và phá huỷ hàng trăm máy bay, phá huỷ và thu được hàng triệu tấn vật tư chiến tranh, trên 1.000 xe quân sự, trên 300 khẩu pháo, 230 tàu xuồng các loại; bức hàng, bức rút 700 đồn bốt, giải phóng 1.000 thôn ấp và 1,2 triệu dân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tuy chưa đạt được mục tiêu cao nhất là giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân nhưng đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị bốn bên tại Pari. Ðây là một bước ngoặt chiến lược, đưa cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta sang giai đoạn mới - Ta hoàn toàn giành quyền chủ động chiến lược. Ðó còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước - "Bắc nam sum họp một nhà".

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của quân đội Mỹ, gây bàng hoàng cho chính giới ở Mỹ và tác động mạnh mẽ đến Quốc hội Mỹ, gây mất niềm tin sâu sắc trong dư luận nhân dân Mỹ. Bị tác động từ cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Quốc hội Mỹ phản đối yêu cầu của tướng William Westmoreland, Tư lệnh liên quân Mỹ ở Nam Việt Nam về việc đòi tăng thêm 206.000 quân Mỹ cùng như không tin vào đường lối chiến tranh và chiến thuật tác chiến của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Tình hình đó dẫn đến việc Tổng thống Mỹ buộc phải bỏ kế hoạch tăng quân và không thể tiếp tục leo thang chiến tranh.

Đầu tháng 3/1968, Tổng thống Lyndon Johnson triệu hồi tướng William Westmoreland từ Việt Nam về Mỹ và đưa tướng Abrams sang thay. Tổng thống Mỹ thấy cần thiết phải có những tuyên bố về tình hình và ông ta đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia xem xét lại toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong những ngày nhóm họp (25 và 26/3/1968), các cố vấn cấp cao Washington bày tỏ quan điểm về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Đêm Chủ nhật 31/3/1968, truyền hình Liên bang Mỹ phát bài phát biểu dài 45 phút của Tổng thống Johnson nói về những quyết định hệ trọng bậc nhất của quốc gia, trong đó có những nội dung lớn như: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ vĩ tuyến 20 trở ra; Mỹ sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Mỹ không thể tiếp tục đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ, mà cần tăng cường cho quân đội Nam Việt Nam khả năng phòng thủ.

Quyết định của Tổng thống Johnson là biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất của chuỗi dài xuống thang chiến tranh của Mỹ trước tác động của đòn tấn công Tết Mậu Thân 1968. Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã kết luận: “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh”. Như vậy có thể thấy thực tế cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta từ mùa xuân Mậu Thân 1968 đã mở ra thời kỳ mới, thời kỳ vừa đánh vừa đàm, nhằm mục tiêu giành thắng lợi quyết định, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

MẠNH ĐÌNH
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét