THỰC HƯ CHUYỆN KHÔNG CHO LUẬT SƯ BÀO CHỮA CHO “HỘI ANH EM DÂN CHỦ”

Ngày 11/01/2018 trên trang chủ của tổ chức khủng bố quốc tế Đảng Việt Tân (Viettan.org) đã đăng tải bài viết có tựa đề “Phản đối CSVN không cho luật sư tham gia bào chữa cho các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ” nội dung cho rằng việc Cơ quan An ninh điều tra một số tỉnh thành của nước ta trong quá trình bắt giữ, điều tra các đối tượng trong tổ chức phản động Hội Anh em dân chủ do Nguyễn Văn Đài cầm đầu như: Lê Thị Thu Hà (bị bắt ngày 16/12/2015), Phạm Văn Trội (bị bắt ngày 30/07/2017), Trương Minh Đức (bị bắt ngày 30/07/2017), mục sư Nguyễn Trung Tôn (bị bắt ngày 30/07/2017), Nguyễn Trung Trực (bị bắt ngày 04/08/2017), Nguyễn Văn Túc (bị bắt ngày 01/09/2017), Trần Thị Xuân (bị bắt ngày 17/10/2017) đã không cho luật sư tham gia bào chữa cho những đối tượng này “theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”.
Theo đó, trang mạng này đã dẫn chứng nhiều Điều luật khác nhau, thậm chí trích nguyên văn từ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: “Cụ thể là cơ quan an ninh cộng sản Việt Nam đã vi phạm:
- Điều 31.4 Hiến Pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”
- Điều 57.1 và 57.2 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
1. Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.
2. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình:
a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự;
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.”
- Hay Điều 75.1, 75.2, 75.3 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
1. Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩtm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
3. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.”
Bài viết có nội dung xuyên tạc trên trang chủ của Đảng Việt Tân, ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, trang mạng này lại không trích nguyên văn các điều luật nêu trên. Điển hình như theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa thì: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” hay theo Điều 74 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.

Các cơ quan điều tra của Việt Nam đều khởi tố Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc nhóm tội phạm xâm phạm An ninh quốc gia. Do đó, việc cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật theo như lời quy kết của trang mạng này là hoàn toàn sai lầm. Nhận định được đưa ra ở đây có thể do hai nguyên nhân chính. Một là trình độ về pháp luật của tác giả bài viết nêu trên của trang chủ Việt Tân là rất hạn chế. Hai là do động cơ, mục đích tuyên truyền tới người đọc của trang mạng này có thể khẳng định nhằm vu cáo, quy chụp cho cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành điều tra vụ án này vi phạm pháp luật. Từ đó, mang đến cho bạn đọc những luồng thông tin mập mờ, sai sự thật về quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan có thẩm quyền và cổ vũ, khích lệ cho các hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Văn Đài và đồng bọn.
Không chỉ dừng lại ở việc “phân tích” vi phạm của cơ quan chức năng một cách vô căn cứ, chúng còn cho rằng việc thành lập Hội Anh em dân chủ của Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn là đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tác giả không thể tìm được những điều luật cho phép điều đó. Việt Nam chưa chính thức công nhận quyền lập hội, trong khi đó, hội mà đám “dân chủ Cuội” này lập ra không nhằm mục đích gì khác nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, chống đối chính quyền. Do đó, Hội Anh em dân chủ bị dẹp bỏ, các đối tượng trong hội này tùy theo tính chất vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự như vậy là hoàn đúng theo quy định của pháp luật.

Từ những luận điểm trên, có thể kết luận rằng, những lý lẽ mà Đảng Việt Tân đưa ra nhằm cổ vũ, bao che cho hành vi phạm tội của các đối tượng trong Hội Anh em dân chủ và thông qua đó vu cáo cơ quan chức năng của Việt Nam vi phạm pháp luật là hoàn toàn sai trái. Bạn đọc khi tiếp cận vấn đề, nhất là vấn đề pháp luật hình sự cần có nhận thức đầy đủ, toàn diện, tránh có những kết luận, suy nghĩ sai lầm.

CHÁNH HIỆP
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét