BỘ TN&MT LÀM VIỆC VỚI NGƯ DÂN KỲ ANH (HÀ TĨNH), CẦN HAY KHÔNG CẦN?

Ngày 7 Tháng 7, trên trang Facebook cá nhân, LS Trần Vũ Hải đã đăng tải một số nội dung như sau:

"24/6/2016, 36 ngư dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà tĩnh đã ký khiếu nại Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về việc bộ này cấp giấy phép xả nước thải cho Formosa. Trong khiếu nại này, các ngư dân đã uỷ quyền cho tôi (Luật sư Trần Vũ Hải) và các luật sư do tôi chỉ định đại diện cho họ trong việc trình bày ý kiến, yêu cầu, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về khiếu nại của họ cũng như trước báo chí, truyền thông. Tôi đã mời nhiều luật sư và ít nhất 15 luật sư đã nhận lời mời tham gia nhóm Luật sư Bảo vệ cho ngư dân Kỳ Anh, Hà tĩnh (Nhóm Luật Sư Công Lý Cho Ngư Dân).

Nay tôi trân trọng mời tiếp các đồng nghiệp khác tham gia nhóm Luật sư này và Tham gia Kiến nghị số 1 của nhóm. Các đồng nghiệp có thể đăng ký ở đây hoặc inbox, và ký Kiến nghị tại địa chỉ 84K Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao quận 1 TPHCM hoặc 28 Nam Đồng , Đống đa Hà nội (Tầng 4)"

Ông Hải cũng đăng tải "Kiến nghị số 1 của nhóm Luật sư bảo vệ ngư dân Kỳ Anh (Hà Tĩnh)" gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà với nội dung: "Yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường – Bộ TN&MT sớm bố trí lịch làm việc giữa Bộ Trưởng Bộ TNMT và ngư dân Kỳ Anh khiếu nại, cung cấp các thông tin liên quan đến sự cố do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh – Formosa gây ra". Lí do được LS này đưa ra cho yêu cầu này xuất phát từ sự tác động của quyết định số 3215/GP-BTNMT ký ngày 11/12/2015 cấp Giấy phép xả nước thải cho Formosa tới "trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, vì cho phép Formosa xả nước thải vào khu vực biển họ đánh cá, nuôi trồng thủy sản và họ chỉ biết được qua Báo chí từ ngày 18/4/2016 (sau khi có vụ thảm họa cá chết)"

Ở đây, người viết xin không bình phẩm hay nói gì thêm tới chuyện nhóm LS do LS Trần Vũ Hải đứng đầu được 36 ngư dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ủy thác khiếu nại và yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về việc bộ này cấp giấy phép xả nước thải cho Formosa. Bởi để tiến tới điều này không hề khó khăn một tí nào, nhất là khi hầu hết các Luật sư trong nhóm Bảo vệ cho ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đều rất thạo việc này. Điều này cũng nói lên một thực tế là trong gian khó chỉ cần một lời đề nghị tỏ ra thiện chí thì không cần hiểu động cơ đằng sau đó là gì thì ngay lập tức người dân bình thường nào cũng sẽ dễ dàng chấp nhận! Chỉ xin được đề cập tới việc Bộ Tài nguyên & Môi trường có nên chấp nhận yêu cầu của nhóm Luật sư do LS Trần Vũ Hải đứng đầu này không?
Quyết định số 3215/GP-BTNMT ký ngày 11/12/2015 cấp Giấy phép xả nước thải cho Formosa được cho là của Bộ tài nguyên & môi trường do một vị Thứ trưởng của Bộ này ký (Nguồn: Internet)

Trước thời điểm Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân cũng như thủ phạm gây nên hiện tượng cá chết tại một số tỉnh miền Trung, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện bản chụp từ Quyết định số 3215/GP-BTNMT ký ngày 11/12/2015 cấp Giấy phép xả nước thải cho Formosa. Đây có thể xem là một thứ bằng chứng sống không thể rõ ràng hơn để quy kết ai là chủ thể chịu trách nhiệm cùng với Formosa trong việc gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua. 

Xem xét nội dung Quyết định được đăng tải thì tại Điều 1 của Quyết định, Bộ Tài nguyên & Môi trường với tư cách là cơ quan chủ quản quản lý về lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã "Cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (địa chỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được xả nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000m3/ngày đêm của khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh giai đoạn 1 - 1 (địa chỉ tại Khu kinh tế Vũng Áng, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vào nguồn nước....". 

Như vậy, trong quyết định cũng đã nêu rõ, việc xả thải phải được tiến hành sau khi nước thải đó đã qua hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000m3/ngày đêm của khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh giai đoạn 1 - 1. Nghĩa là lượng nước thải đó khi thải ra sẽ đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường bên ngoài nếu Formosa tuân thủ đúng điều này. Vì thế, trong trường hợp này Bộ Tài nguyên & môi trường đã thực hiện đúng chức trách và không hề có chuyện dung túng hay bật đèn xanh cho công ty Formosa xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển như đồn đoán. 

Mặt khác, trong nội dung quy định về Phương thức xả nước thải, Quyết định 3215/GP-BTNMT cũng đã nêu rõ: "Nước thải xử lý được bơm và dẫn theo đường ông thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó tiếp tục chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự xả, chảy giữa dòng". Trên thực tế việc yêu cầu dẫn hệ thống nước thải qua hệ thống quan trắc trước khi xả thải ra môi trường là một điều kiện cứng trong bảo vệ môi trường. Và nếu Formosa thực hiện đúng điều này thì sai phạm của công ty này đã được ngăn chặn ngay từ đầu! 

Hiểu như thế để thấy, Bộ tài nguyên & môi trường đã hết sức thận trọng trong việc ra quyết định cấp Giấy phép xả nước thải cho Formosa. Mọi chi tiết trong quyết định đều hết sức chặt chẽ, đầy đủ. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi Formosa đã bỏ qua tất cả các quy trình được thể hiện trong quyết định để rồi gây nên một thảm họa theo đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay đối với môi trường biển! Vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & môi trường trong sự việc này vì thế đã trở nên rõ ràng và đương nhiên khi không sai phạm thì họ không có trách nhiệm phải tiến hành một cuộc làm việc với các chủ thể bị ảnh hưởng bởi mọi thứ từ nguyên nhân, thủ phạm đã được chứng minh, công bố. Có chăng, việc mà Bộ Tài nguyên & môi trường sẽ phải làm là cùng với Formosa khắc phục các ảnh hưởng của vụ xả thải vừa qua đối với môi trường biển; thiết lập một cơ chế kiểm soát để đảm bảo rằng sẽ không để xảy ra một thảm họa tương tự!

CẦU VỒNG THÀNH PHỐ
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét