ĐÁM DÂN CHỦ RỞM CẦN PHẢI GHI NHỚ LỊCH SỬ

Vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/04/1975, xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ngụy, thu non sông về một mối. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta.

Ngày tỏa sáng một chân lý mà Bác Hồ đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Dân tộc ta vui mừng và các nước anh em bầu bạn trong khu vực và trên thế giới cũng hoan hỉ vì một nước Việt Nam tắt lửa chiến tranh, là một đảm bảo cho hòa bình, ổn định trong cả khu vực và trên thế giới.

Chúng ta không thể nào quên trong hàng nghìn ngày chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, đã có cả một phong trào nhân dân thế giới ủng hộ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Từ các nước Bắc Âu đến các nước Trung, Tây Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ đã có hàng chục nghìn cuộc biểu tình ở khắp các châu lục ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh phi nghĩa.


Ở Thụy Điển, chính Thủ tướng Olof Palme cũng đã đích thân dẫn đầu một đoàn biểu tình ủng hộ Việt Nam của nhân dân Thụy Điển.

Phong trào phản đối chiến tranh còn lan ra ngay trong lòng nước Mỹ. Các bà mẹ biểu tình giương lên khẩu hiệu “Ngày hôm nay lại có bao nhiêu trẻ bị giết?”. Các thanh niên biểu tình giương lên câu hỏi “Vì sao chúng tôi phải đến đánh nhau ở Việt Nam?”. Lương tâm người Mỹ đã thực sự lên tiếng. Mạnh mẽ hơn nữa, lại có những nhóm thanh niên vứt trả lại những thẻ quân dịch, thể hiện một tinh thần bất tuân thượng lệnh một cách kiên quyết.

Anh thanh niên Morrison đã tự thiêu ngay trước cửa Lầu Năm góc để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa. Chính những cuộc biểu dương lương tâm thức tỉnh của nhân dân Mỹ đã có tiếng vang lớn, rung động các diễn đàn ở hai viện của Quốc hội Mỹ.

Ngày càng nhiều nghị sĩ thuộc cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã đăng đàn nêu những câu chất vấn về chính sách của nhà cầm quyền Mỹ: Cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ tiến hành ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam có lợi gì và có hại gì cho nước Mỹ, cho các gia đình người Mỹ?
Nhiều cuộc tranh luận bùng nổ trong nghị trường cuối cùng đã dẫn đến những tu chính án đòi sửa đổi đường lối chính sách cho được thuận lòng dân, phù hợp với quyền lợi đích thực của các công dân Mỹ.

Chúng ta không quên Ernest Henry Gruening, Thượng nghị sĩ Mỹ từ 1959-1969 là một trong những người đầu tiên đã đứng lên phê phán đường lối hiếu chiến của nhà cầm quyền Mỹ. Ông tán thành những cuộc biểu tình của quần chúng phản đối chiến tranh chống Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Mỹ J.William Fullbright đã liên tục bỏ phiếu chống đường lối đối ngoại của ba đời Tổng thống Mỹ từ Truman, Johnson đến Nixon. Ông được mệnh danh là nhà biện luận kiên trì quyết liệt bênh vực lập trường chống chiến tranh phi nghĩa ở nước Mỹ.

Cũng cần nói thêm rằng khi qua đời, ông còn hiến một phần vốn cho Quỹ mang tên ông- Quỹ Fullbright- dành để cấp học bổng cho các nghiên cứu sinh người Việt sang Mỹ nghiên cứu sau đại học, góp thêm một viên gạch quý cho quan hệ hợp tác hữu nghị Mỹ- Việt.

Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chúng ta vô cùng tự hào nhìn lại bước đường đấu tranh cách mạng lâu dài và oanh liệt mà nhân dân ta đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ những người dân mất nước, nhân dân ta đã anh dũng vùng lên, lần lượt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa nước nhà bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Với những chiến công hiển hách, lẫy lừng, nhân dân ta đã góp phần thực hiện lý tưởng cao đẹp mà nhân loại hằng mơ ước là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 43 năm đã qua, song thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc như trang sử chói lọi nhất; ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình vẫn luôn là tài sản vô giá, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để giành được những thắng lợi to lớn như ngày hôm nay, đất nước ta đã phải vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách. Dưới lá cờ vinh quang của Đảng, biết bao cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu, nêu cao truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng, lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc. Những cống hiến lớn lao, những tấm gương kiên trung, hy sinh anh dũng của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào sống mãi với non sông đất nước ta, với thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

VỊNH THÀNH
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét