BÀN VỀ TÌNH TRẠNG "ĐÁNH HỘI ĐỒNG" CỦA BÁO CHÍ VIỆT NAM

Thông qua việc dẫn chứng 2 vụ việc, tài xế cố tình cán chết nữ sinh và bà hiệu trưởng cố tình né lỗi ở tút trước, tôi muốn nói đến tình trạng đánh hội đồng trong làng báo chí Việt lâu nay. Và hiện tại ngày càng tăng hơn nhiều khi báo mạng phát triển mạnh. Hiện tượng này bao gồm 2 mặt: 
- Thứ nhất là đánh hội đồng dồn dập, biến những vấn đề không nghiêm trọng lắm thành ra vấn đề siêu nghiêm trọng của xã hội.
- Thứ hai là bỏ qua những vấn đề cần nói để mất cân bằng thông tin. 

Hậu quả trước tiên, nghiêm trọng nhất là làm lệch lạc nhận thức của nhân dân đối với tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Một sự việc được đăng tải nhiều, dồn dập, đồng loạt trên các tờ báo lớn nhỏ, nó sẽ gây nhận thức hằn sâu trong đối tượng tiếp nhận tới mức không thể làm đảo ngược khi sự thật được đưa ra sau đó. Tôi lấy một ví dụ là vấn đề thủy điện gây ra lũ lụt. Cho đến nay, hầu như khi nói đến lũ lụt, người dân đều đổ lỗi cho thủy điện, dù rằng trên thực tế, hậu quả từ lũ lụt ở Việt Nam ngày nay rất ít so với thời kỳ vài mươi năm trước, khi mà các dòng sông còn nguyên sơ chưa ai đụng đến. Hậu quả của truyền thông sâu đậm đến nỗi chẳng ai thèm nhớ đến thủy điện đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng thiếu điện triền miên của mười mấy năm về trước như thế nào, mà chỉ chăm chăm vào việc căm ghét thủy điện mà thôi. Đó là một trong những hậu quả nguy hiểm của truyền thông đánh hội đồng.


Gần đây chúng ta nổi lên vấn đề án oan sai, tôi cũng xin nói luôn. Đây là một vấn đề lớn và nhạy cảm. Hiện nay hầu như mọi người đều nghĩ ở Việt Nam dễ xảy ra án oan sai. Nhưng thực tế tỷ lệ án oan sai ở Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều so với nước Mỹ, nơi mà nhiều người trong chúng ta nghĩ là không có oan sai. Nói ra điều này thì chắc 10 người nghe đến 9 người không tin. Tôi dẫn một số liệu của báo Mỹ cho thấy trong năm 2015, nước Mỹ phát hiện đến 149 vụ án hình sự oan sai. Nếu mà so sánh chỗ này thì Mỹ là con bò mà Việt Nam thì Việt Nam là con muỗi thôi. Trong vòng 42 năm, từ 1973 đến 2015, nước Mỹ phát hiện có 152 án tử hình oan, trong đó nhiều người đã bị thi hành án, nghĩa là đã chết oan ức. Thật kinh khủng. Như vậy thì Việt Nam chỉ bằng cái móng tay của nước Mỹ về tỷ lệ án tử hình oan sai! Nhưng dân chúng Việt Nam thì luôn nghĩ ngược lại. Ngay cả một số bác ở tòa án tối cao rất thiếu thông tin cũng muốn chuyển mô hình tố tụng của Việt Nam đang xài là tố tụng xét hỏi qua mô hình tố tụng của Mỹ là tố tụng tranh tụng để giảm oan sai cho Việt Nam (!!!). Cái này là do đâu? Tôi cho rằng đó là hậu quả của truyền thông đánh hội đồng. Chỉ cần 1 người chết trong nhà giam, chưa rõ nguyên nhân chết do đâu, báo chí đã đổ dồn vào hàng trăm ngàn bài báo khiến cho dân chúng ngỡ là chắc trong nhà giam có cả một bộ máy chuyên ép cung bức cung để bắt phạm nhân nhận tội bừa, thằng nào không nhận thì đánh cho chết luôn. Từ những vụ truyền thông đánh hội đồng đó, người dân nghĩ là hệ thống pháp luật của Việt Nam rất có vấn đề, cần phải thay đổi ngay theo hướng văn minh dân chủ như nước Mỹ. Nhưng nào có ai biết rằng Mỹ còn oan sai hơn Việt Nam.

Qua hai dẫn chứng, chúng ta thấy vấn đề không hề nhỏ. Nguyên nhân thì có nhiều, từ nhận thức đến giật dây mà tôi sẽ nói sau. Bây giờ tôi tiếp tục nói tới hậu quả đã. Hậu quả của tình trạng báo chí đánh hội đồng, ở mức độ vỹ mô thì nó gây ra sự oán ghét nhà nước hoặc chế độ một cách vô cớ, thiếu cơ sở, dẫn tới việc hình thành nên những tư tưởng cực đoan, bảo thủ. Tôi cần nói rộng ra chút chỗ này. Thực ra mô hình nhà nước nào cũng có những ưu điểm nhược điểm, không có mô hình nào tối ưu hoàn toàn. Chỉ là nó phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước ấy trong giai đoạn ấy. Nước Mỹ cũng đang ngày càng bộc lộ những bất cập đấy thôi. Nhưng vô tình hay hữu ý, khi mà báo chí thông tin theo kiểu đánh hội đồng, bộ mặt của xã hội sẽ hiện lên rất tồi tệ so với sự thực vốn có không đến nỗi của nó. 

T.Đ.T
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét