ASEAN – TRUNG QUỐC RA TUYÊN BỐ CHUNG

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm nay (06/8/2017) đã khai thông bế tắc về vấn đề Biển Đông bằng một tuyên bố chung kêu gọi tránh quân sự hóa. Đồng thời, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán.

Với vị trí quan trọng của mình, những vấn đề liên quan đến biển Đông luôn thu hút sự chú ý không chỉ của các quốc gia trong khu vực mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới... Việc thúc đẩy và hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã được nêu ra nhiều lần tại nhiều diễn đàn quan trọng trong khu vực. Và tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đang diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines, sau nhiều lần bị trì hoãn, các ngoại trưởng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), văn kiện sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Ngoại giao 10 quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)

Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông bắt đầu được ASEAN thảo luận từ Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002, với kỳ vọng xây dựng một văn kiện mang tính ràng buộc để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục trì hoãn việc thảo luận các điều khoản của COC trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm: Tôn trọng Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 phải là nền tảng của các quy tắc về hợp tác và hoạt động trên Biển Đông. Thông qua các cuộc đàm phán, biện pháp ngoại giao để bảo chủ quyền, đồng thời thông qua các diễn đàn quốc tế, đấu tranh ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa bình.

Việc thống nhất được dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Đây sẽ là bộ quy tắc có tính ràng buộc cao về những hành động được phép và không được phép, sẽ giúp các bên kiềm chế không để xảy ra xung đột trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Tầm quan trọng của bộ quy tắc này tạo ra khuôn khổ pháp lý để các bên điều hòa tranh chấp cũng như hợp tác để bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ tài nguyên...

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan đang diễn ra ở thủ đô Manila, Philippines, và sẽ kéo dài đến ngày 8/8, với sự tham gia của 10 nước thành viên. Đây là dịp để các ngoại trường thảo luận về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, an ninh hàng hải cũng như những vấn đề an ninh phi truyền thống khác.

Rõ ràng việc phát huy hơn vai trò của ASEAN là hết sức cần thiết khi Trung Quốc vẫn đang âm mưu “độc chiếm biển Đông”. Hy vọng rằng các nước khác trong khu vực cũng đồng lòng với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình. Thông qua sự kiện lần này có thể thấy ASEAN đã phục hồi sự đoàn kết chính trị và thống nhất được tiếng nói chung của khối với COC.

HOÀNG XUÂN
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét