Hội nghị thượng đỉnh mỹ - Asean: về vai trò của người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam

Lữ Khách



"Hội nghị Thượng đỉnh với Asean lần đầu tiên do Hoa Kỳ chủ trì sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16.2 tại Sunnylands (California)". 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một Hội nghị (Nguồn: Internet). 

Đây là thông tin được giới thạo tin trong và ngoài nước xác nhận. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự rõ ràng ai sẽ là người dẫn đầu Phái đoàn của Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh. Trong khi nhiều trang tin không chính thống trong nước (trong đó có những chủ FB cá nhân) tiết lộ Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu phái đoàn nhưng thông tin mới nhất từ BBC Việt ngữ lại xác nhận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mới dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands (California), Mỹ. 

Trong trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đến Hoa Kỳ dự hội nghị thì đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của ông trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. 

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean chưa diễn ra song dư luận bên lề đã được hâm nóng xung quanh thông tin ai sẽ là người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị?  Theo đó, một số người đồn đoán rằng, Bộ Chính trị khóa XII đã yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được tham dự và cử Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ để tham dự. Đây cũng là động thái có tính cấm đoán đối với cá nhân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời thể hiện tư tưởng, thái độ của Việt Nam trong những vấn đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị, trong đó đáng chú ý có vấn đề Biển Đông, xung đột lãnh hải (ngoài ra còn có  vấn đề kinh tế, chống khủng bố, nạn buôn người..vv..). Đám người này cũng dự báo rằng, trong trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không tham dự hội nghị thì phái đoàn Việt Nam sẽ không quá quyết liệt trong thực hiện các đối sách với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông; Việt Nam cũng không quá quan tâm tới lời kêu gọi hỗ trợ Mỹ để chế ngự Trung Quốc trên Biển Đông từ Mỹ (?). 

Thực hư vấn đề này như thế nào và liệu việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vắng mặt hay không vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean có ảnh hưởng đến thái độ, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông? Xin được mạn đàm đôi điều như sau: 

1. Trước hết, phải khẳng định luôn là việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt hay vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean không ảnh hưởng gì đến thái độ cũng như lập trường của Việt Nam trong lĩnh vực Biển Đông. Ngoài lí do đây là một vấn đề thuộc về nguyên tắc mà dù thời kỳ nào, giai đoạn chính trị nào thì các chính khách, các vị nguyên thủ quốc gia không có quyền được thay đổi dù chỉ là câu chữ đi nữa; sự thay đổi (dù là nhỏ nhất) đồng nghĩa với việc Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam đang có sự bất nhất về mặt chủ trương, đường lối trong những vấn đề lớn lao của cả quốc gia - Dân tộc. Và xin thưa rằng, đánh mất lòng tin của người dân, Đảng Cộng sản và nhà nước sẽ đánh mất đi tất cả sự ủng hộ, lòng tin của một thành tố quan trọng bậc nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân. Với một phép luận suy như thế sẽ thấy được rằng, nội bộ Đảng Cộng sản sẽ không dại gì lựa chọn sự thay đổi dù cho sự thay đổi đó sẽ tích cực hay cần thiết như thế nào! 

Thêm nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản vừa mới kết thúc một cách ôn hòa và được cho là tích cực. Và để củng cố uy tín, vị thế độc tôn của mình trên chính trường tại Việt Nam, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là thực hiện và kiên trì những mục tiêu đã thực hiện trong nhiệm kỳ XI, trong đó việc giữ thái độ kiên quyết, khôn ngoan trong vấn đề chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông là trên hết. Đây cũng là lí do để khẳng định rằng sẽ không có bất cứ một biến thiên nào dù là nhỏ nhất đối với vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Asean. 

2. Lí do thứ hai được nói đến là sự chuẩn bị của phái đoàn Việt Nam trước khi tham dự hội nghị lần này tại Mỹ. Ngoài vai trò là một thành viên tích cực và quan trọng của cộng đồng chung Asean thì việc vấn đề chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông sẽ được đưa ra ưu tiên thảo luận tại hội nghị là lí do khiến Việt Nam không thể sơ suất hay cẩu thả trong việc chuẩn bị. 

Nói như thế để thấy rằng, trước một sự kiện chính trị quan trọng đều có sự tham vấn, chỉ đạo về mặt chủ trương, thái độ từ bộ máy quyền lực cao nhất cho tới các cơ quan chuyên môn. Người đứng đầu phái đoàn vì thế chỉ đảm nhận  cương vị là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện chủ trương đã được thảo luận, thống nhất trước đó. Chính vì vậy, vai trò của cá nhân đứng đầu phái đoàn không phải là tất cả và quyết định xu hướng của cả phái đoàn tại hội nghị thượng đỉnh lần này. 

P/s: Theo một tin tức mới cập nhật được dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Việt Nam: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ". 
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét