TUYÊN BỐ XIN RA KHỎI ĐẢNG CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG: MỘT SỰ NGỤY BIỆN HẾT SỨC VÔ LỐI

Lữ Khách
Giáo sư Nguyễn Đình Cống (Nguồn: Internet). 


Giáo sư Nguyễn Đình Cống tuyên bố bỏ Đảng. Thông tin này đã được chính ông và rất nhiều người bạn của ông xác nhận. Lí do được vị GS này nói đến trong đơn là: 

"Tôi đã viết nhiều bài phân tích sai lầm của Mác, viết nhiều thư gửi tổ chức Đảng góp ý kiến về việc từ bỏ CNML và thay đổi thể chế, viết ý kiến đóng góp cho Đại hội 12 với hy vọng đại hội sẽ có chuyển biến tốt về phía dân chủ. Thế nhưng ĐH 12 vẫn kiên trì CNML và đường lối chính trị cũ.

Tôi thấy không còn lý do để tiếp tục ở trong Đảng, cũng là để tỏ thái độ dứt khoát với CNML và sự độc tài toàn trị của ĐCSVN. Vậy tôi thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 03 tháng 02 năm 2016. Yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên tôi khỏi danh sách". 
Tuy nhiên, khi tiếp cận câu chuyện này tôi đã tự hỏi rằng tại sao không sớm hơn cũng không muộn hơn, GS Nguyễn Đình Cống lại đưa ra tuyên bố ra khỏi Đảng trong bối cảnh Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp và đúng vào dịp 86 năm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2016)? Và phải chăng cái học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ dạy cho ông biết muốn nổi tiếng và không "đụng hàng" với những kẻ xin ra khỏi Đảng trước đó như Phạm Chí Dũng (TP Hồ Chí Minh), Đặng Xương Hùng (Thụy Sỹ)... thì việc chọn lựa thời điểm là rất đỗi quan trọng! 
Lí giải sự băn khoăn ở trên, trong bài trả lời phóng vấn BBC, GS Cống cho biết: "Thực ra ý định ra khỏi Đảng có từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo dài ra đến Đại hội 12 vì trước đại hội 12, tôi cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho đại hội, muốn đại hội thảo luận, trao đổi. Tôi chờ xem thử đại hội có trao đổi, thảo luận gì không, có chuyển biến gì không. Rồi sau đại hội, không thấy chuyển biến gì cảm thì tôi quyết định dứt khoát ra khỏi Đảng". 


Theo dõi cách nói của GS Cống thì chính ông đã có một sự kiên nhẫn nhất định trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Bản thân ông trước đó cũng đã có những động thái góp phần thúc đẩy vào một bối cảnh được cho là nhạy cảm và dễ dàng nhất để khiến Đảng Cộng sản thay đổi theo hướng tích cực hơn như cách hiểu của ông nhưng xem chừng những điều xảy ra đã không như ý. Hay nói cách khác, trước sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XII ông vẫn còn hi vọng vào một sự đổi thay nào đó từ những đại biểu về tham dự lĩnh xướng. 

Tuy nhiên, nên hiểu rằng ở đây không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua không lắng nghe, hồi đáp lại những ý kiến của ông gửi  đến mà thử xem ông đã đề nghị gì sẽ hiểu rõ hơn tại sao ông đã không toại nguyện trong những hành động của mình! Theo đó, rất nhiều bức thư được GS Cống gửi đến đều xoay quanh những nội dung kiểu như: "Tôi có nêu ý ‎ kiến Chủ nghĩa Marx - Lenin là không thích hợp nữa, nên bỏ nó đi. Chứ đừng có kiên trì Marx- Lenin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đất". (GS Nguyễn Đình Cống).

Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các Đảng Cộng sản trên thế giới đều tồn tại dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê nin và nếu nhận diện chính xác thì đấy cũng là bệ đỡ mà một khi nó không còn thì đồng nghĩa với việc các Đảng Cộng sản không còn là chính mình. Bản chất và các giá trị riêng biệt của Đảng Cộng sản vì thế sẽ bị biến tướng và xin thưa rằng đó là điều mà bất cứ Đảng Cộng sản nào trên thế giới đều không muốn. Chỉ tiếc rằng một Đảng viên vào Đảng từ năm 1985 như GS Nguyễn Đình Cống lại không hiểu được cái lẽ sống còn như thế? Hay nói cách khác, những điều được GS Cống nói ra, kiến nghị ra không khác gì bảo Đảng Cộng sản Việt Nam rằng các ông hãy giải thể Đảng và biến tổ chức của mình thành một Đảng chính trị khác với nền tảng giá trị khác. 

Nếu GS Cống cho rằng ông xin ra khỏi Đảng chỉ vì Đảng Cộng sản không chịu thay đổi thì đó chẳng qua là một sự ngụy biện hết sức vô lối và đầy bạc nhược của con người này. Mọi sự thay đổi dù bất cứ với chủ thể nào cũng có giới hạn và cơ chế tự bảo vệ chính mình trước những thứ nguy cơ dạy cho Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải làm gì trước những động thái có tính chống phá hơn là góp ý để phát triển như thế. Và tôi cho rằng, với trường hợp GS Nguyễn Đình Cống, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một sự đáp trả có thể nói là đầy tinh thần nhân đạo: Im lặng và không có bất cứ hồi âm nào tới chủ thể của những bức thư như đã được nói

Chính vì vậy, tôi xin quay với sự băn khoăn ban đầu và xin được kết luận lại rằng, việc GS Nguyễn Đình Cống xin ra khỏi Đảng vào đúng bối cảnh Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc và đúng vào ngày kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là một hành động có chủ ý. Và với những gì hiểu biết về con người này tôi xin khẳng định rằng mục đích chính của nó không ngoài tạo tiếng vang cho cá nhân và một trò PR rẻ tiền của vị GS này trước đám đồng đảng. Chỉ tiếc rằng trước khi đưa ra lời tuyên bố ra khỏi Đảng, GS Nguyễn Đình Cống không biết rằng từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam đâu có coi ông là một thành viên trong đó! 
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét