Trung Quốc tố Philippines "khiêu khích chính trị"

Trung Quốc hôm thứ Năm (25/2) cáo buộc Philippines "khiêu khích chính trị" vì đưa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông ra trọng tài quốc tế, có ý gạt bỏ các thủ tục tố tụng bất chấp sức ép từ Washington.
Hãng AP đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết quyết định của Philippines đưa tranh chấp của hai nước lên tòa án ở The Hague là "vô trách nhiệm với người dân và tương lai của Philippines".
Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình trọng tài, cho rằng việc này bất hợp pháp. Dự tính vào tháng 10/2016, tòa án sẽ có phán quyết cuối cùng.
Trong khi đó tại Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương đã "lôi" Trung Quốc ra làm cái cớ trong nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung từ quốc hội, trong đó, tập trung gay gắt vào vấn đề Biển Đông.

Vuong_Nghi_infonet
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Wu Qian lớn tiếng chỉ trích những khẳng định của Đô đốc Harry Harris Jr. trước quốc hội Mỹ về việc Bắc Kinh đã quân sự hóa tuyến đường thủy quan trọng và chiến lược tìm kiếm "quyền bá chú" ở Đông Á. Trung Quốc cực lực bác bỏ cáo buộc này và đổ lỗi cho Washington đang "đổ dầu vào lửa".
"Tôi cần nhấn mạnh theo các báo cáo phương tiện truyền thông, Đô đốc Harris đưa ra nhận xét của mình trong khi tìm kiếm thêm nguồn vốn ngân sách quốc phòng từ Quốc hội", ông Wu nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hàng tháng tại Bắc Kinh, "Chúng tôi không can thiệp vào chuyện ngân sách của nước bạn, nhưng các ngài phải cẩn thận không nên bôi nhọ Trung Quốc trong khi muốn có nhiều tiền hơn".
Philippines bắt đầu vụ kiện lên trọng tài quốc tế từ đầu năm 2013, từ sau khi Bắc Kinh không chịu rút tàu của mình khỏi rạn san hô tranh chấp theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Dưới quan điểm của Manila, những hành động yêu sách lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược không phù hợp với Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cần được tuyên bố vô hiệu.
Ông Vương Nghị đổ lỗi cho Philippines đã đóng cửa đàm phán với Trung Quốc và đi tìm sự can thiệp của trọng tài quốc tế bất chấp không có sự đồng ý của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán "ngay ngày mai".
"Chúng tôi là hàng xóm, chỉ cách nhau một vùng nước hẹp", ông Vương nói với các học giả của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu Quốc tế,"Chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Philippines".
Ông Vương đã tới Washington trong tuần để hội đàm với người đồng nhiệm, Ngoại trưởng John Kerry.
Trung Quốc đã tiến hành việc cải tạo, khai hoang lớn tại một số đảo, rạn hơn hai năm qua ở Biển Đông, nơi Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Đô đốc Mỹ Harris nói với quốc hội trong tuần này rằng Trung Quốc đã xây dựng hơn 1.210 ha đất nhân tạo trong vòng hơn hai năm qua, so với khoảng 40ha khai hoang của các bên tranh chấp khác trong hơn 45 năm.
Trong khi đó, ông Vương khẳng định, các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đảo và đá ngầm là "cần thiết để tự vệ khi các quốc gia khác đã quân sự hóa bờ biển xung quanh". Trung Quốc cũng dự định xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự như trạm thời tiết và bến cảng khẩn cấp cho tàu gặp nguy hiểm, ông cho biết, trong đó sẽ có lợi cho cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc cũng phản đối mạnh mẽ tiềm năng Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa đến Hàn Quốc nhằm chống lại Triều Tiên. Nước này cho rằng hệ thống ra-đa bảo vệ sẽ mở rộng sang cả Trung Quốc, làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của mình.
Mỹ và Trung Quốc nhiều lần cáo buộc lẫn nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gia tăng. Washington khẳng định dự án xây dựng đảo của Trung Quốc làm xáo trộn sự cân bằng giữa các bên tranh chấp. Bắc Kinh nói hoạt động của tàu quân sự Mỹ và máy bay gần các đảo nhân tạo đang tìm cách kích động các phản ứng từ Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã phủ nhận ý tưởng này.
"Lý do các hoạt động này đang nhận được sự chú ý không phải bởi vì Hoa Kỳ đang làm điều gì đó mới", ông Carter nói tại quốc hội, "Chúng ta đã được di chuyển ở Biển Đông - và sẽ tiếp tục đi thuyền tới bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép - trong nhiều thập kỷ nay. Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì mới".

http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-to-philippines-khieu-khich-chinh-tri-20160226083038081.htm
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét