VỎ QUÝT DÀY CÓ MÓNG TAY NHỌN

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông. Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng bằng một loạt các động thái vừa mềm dẻo vừa cứng rắn; vẫn tiếp tục làm theo cái cách mà bấy lâu nay Bắc Kinh vẫn hay làm để có được kết quả như ngày hôm nay.

Sau khi lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế và cho rằng phán quyết của Tòa là vô giá trị, Trung Quốc ngay lập tức tiến hành các biện pháp cứng rắn khác. Một loạt cuộc tập trận quy mô đã được tổ chức ở biển Đông, một số tàu chiến hiện đại, máy bay hạt nhân đã được điều tới nơi này kèm theo lời thách thức khá kiêu ngạo.

Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không quên mềm dẻo với các nước trong khu vực; trực tiếp là Philippines. Vừa qua, phía Trung Quốc đã đề nghị Philippines đàm phán song phương giữa hai nước về tranh chấp trên biển Đông về những vấn đề bên ngoài phán quyết của Tòa Trọng tài PCA hoặc không đả động đến nó.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines đã từ chối lời đề nghị này và cho rằng nó không phù hợp với Hiến pháp và lợi ích quốc gia của Philippines. Điều này có thể được coi là một nước cờ khôn ngoan của Trung Quốc. Việc đề nghị Philippines đàm phán song phương về tranh chấp trên biển Đông là một mũi tên trúng nhiều đích.

Trước hết, nó thể hiện với thế giới thấy sự thiện chí của Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình; đồng thời điều này là cách mà Trung Quốc hạ nhiệt dư luận quốc tế sau kết luận của Tòa Trọng tài.

Thứ hai, hành động này của Trung Quốc định cài bẫy Philippines nhưng đã không thành. Nếu Philippines chịu đàm phán song phương, nghĩa là những kết luận của Tòa Trọng tài quốc tế có thể sẽ không có giá trị hoặc bị vô hiệu hóa theo luật chơi của Trung Quốc.

Thứ ba, việc đề nghị Philippines đàm phán song phương cũng là cách mà Trung Quốc muốn trì hoãn, kéo dài thời gian để xây dựng xong các căn cứ ở biển Đông; tạo chuyện đã rồi; đồng thời cũng để các nhà lãnh đạo Trung Quốc suy nghĩ cách đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài. Bởi vì đó là một phán quyết mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý. Trung Quốc không thể dùng vài ba từ phủ quyết là có thể xem thường phán quyết này.

Trả lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines là một cách xử lý khôn ngoan không kém. Nó vừa thể hiện sự thiện chí của Philippines trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; nhưng vẫn phải trên cơ sở pháp luật quốc tế và lợi ích quốc gia của họ.
Ảnh: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước Philippines-Trung Quốc

Hà Huy
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét