VỀ CHUYỆN PHÓNG VIÊN TRẦN QUANG THẾ (BÁO TUỔI TRẺ) BỊ ĂN ĐẤM

Anh phóng viên lên cầu Nhật Tân để chụp ảnh một vụ chết người, cảnh sát hình sự đã có mặt từ trước đó rất sớm và đang tiến hành điều tra. Anh phóng viên cố vượt rào vào để chụp ảnh, bị nhắc nhở nhưng vẫn cố bon chen nên đã bị các chiến sĩ hình sự thần thánh cho dăm cái bạt tai, một phát đá vào xương cụt và 2 cú teken tsuki vào quai hàm với lực sinh công vừa đủ. Anh bị vô hiệu hoá trong tích tắc.



Các bạn phóng viên khác đồng loạt ăn vạ, ủng hộ đồng nghiệp ra mặt, như thế tôi không ưng, việc gì cũng phải nhìn nhận công chính. Tôi khẳng định màn chào hỏi của các anh hình sự là hợp lý và trong chừng mực nào đó có thể thông cảm được, thậm chí đáng khen.

Đây là hiện trường của một vụ án mạng, hoặc chí ít, một vụ nghi là án mạng. Hiện trường là ở trên cầu, nơi anh tài xế taxi đã bỏ lại chiếc xe cùng đôi Chaco Nguyễn Quý Đức đế nhựa quai dù. Mọi chi tiết đều gợi mở một vụ tự tử nhưng không hẳn, trong xe có rất nhiều vết máu bất thường khiến các chiến sĩ công an thần thánh với chỉ 3 giây quan sát, đã khẳng định rằng anh tài xế bị sát hại và ném xác xuống chân cầu để dựng hiện trường giả một cách cực kỳ tinh vi.



Nguyên tắc đầu tiên trong phá án, đó là phải bảo vệ hiện trường bằng mọi giá, cảnh sát hình sự được đào tạo cực kỳ kỹ càng và bài bản, ngay cả việc chụp ảnh nạn nhân cũng cần vài chục giờ học cả lí thuyết với thực hành mới có thể làm mà không xáo trộn hiện trường. Khi cảnh sát đến nơi, việc đầu tiên là phong toả không cho người dân tiếp cận, thậm chí, họ có quyền chặn cả cây cầu để phục vụ điều tra.

Anh phóng viên với chiếc Nikon bóng nháy gật gù chiến lợi phẩm từ mùa Euro, cùng bầu nhiệt huyết căng tràn xông vào hiện trường như một thằng ngu học nên đã bị khống chế. Chỉ chậm 1 giây thôi, anh phóng viên đã giúp giảm xác suất phá án thành công xuống chỉ còn phân nửa, gì chứ riêng phá hoại thì có ai qua mặt được các phóng viên nhiệt tình xông xáo???



Một nguyên tắc nữa, đó là ngoài bảo vệ hiện trường về mặt vật lý, thì cảnh sát cần phong toả thông tin để tránh đánh động hung thủ. Khi anh phóng viên cố chụp ảnh, cảnh sát có quyền nghi ngờ anh thu thập thông tin để hỗ trợ hung thủ, hoặc phát tán đánh động hung thủ. Ví như anh có thể sẽ post ảnh hiện trường lên facebook cá nhân cùng caption “Mỗi người đi qua hãy thả 1 tim, share cho anh lái taxi được siêu thoát” viết bằng teencode chẳng hạn, thì điều này sẽ cung cấp cho hung thủ những thông tin quý giá về diễn biến cuộc điều tra, và hắn sẽ có thời gian, phương tiện để chuẩn bị đối phó. Việc ra tay nhanh gọn của các anh công an nên được ủng hộ thậm chí thưởng huân chương.





Hãy xem clip, nếu không điếc, các bạn sẽ nghe thấy rõ ràng anh chỉ huy ở hiện trường hét lớn: “Các đồng chí, trấn áp đối tượng này đưa về trụ sở cho tôi”. Điều này có nghĩa đây là nghiệp vụ đơn thuần, các anh chị nhà báo ạ, chứ không phải công an có thù oán gi với các anh chị. Nothing personal, việc họ phải làm như vậy, đừng hiểu lầm.

Còn các anh chị phóng viên không thể đòi công an hay bất kỳ ai trên dải đất Annam này có thiện cảm và cư xử nhẹ nhàng với các anh chị được, không tin hãy thử đến ruộng rau của nông dân và nói hey, em là nhà báo, em đến làm phóng sự nông sản. Tin tôi đi, cơ sở nha khoa gần nhất ngay sau đó sẽ có một ngày cực kỳ bận rộn.

Như vậy, hành động khống chế anh phóng viên phá hoại là hợp tình và hợp lý để phục vụ công tác điều tra, thậm chí nếu chẳng may khi trói giật cánh khuỷu anh phóng viên có trót làm anh rời mẹ cả 2 chi trước ra, thì cũng hoàn toàn có thể chấp nhận. Bên Tây họ gọi đây là collateral damage tức thiệt hại song hành, đau thương nhưng cần thiết.

Các anh chị nghĩ rằng vì là phóng viên, nên tự cho mình quyền được húng, thế là tôi chê.

Húng ở đâu không biết chứ ở Hanoi, người ta gọi là bạc hà.

CHUNG NGUYỄN
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét