Thất bại nếu không chuẩn bị kỹ

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nếu không chuẩn bị kỹ ngân hàng đề thi, sẽ khó có thể tổ chức thi trắc nghiệm thành công

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết ủng hộ phương án thi trắc nghiệm môn toán tại cuộc trao đổi về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vào chiều 13-9 tại Hà Nội.

Cần nghiên cứu kỹ

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - đánh giá thi trắc nghiệm và tự luận đều có ưu điểm riêng. Thi trắc nghiệm khách quan, trong thời gian ngắn bao phủ được kiến thức toàn bộ môn học, điểm số chính xác. Thi tự luận đánh giá được khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, nếu áp dụng cho các kỳ thi quy mô lớn (với hàng triệu thí sinh) thì thi trắc nghiệm có ưu thế áp đảo.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia môn toán năm 2016 Ảnh: Tấn Thạnh
Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Đo lường kiểm định chất lượng của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cũng cho rằng thi tốt nghiệp không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Thi trắc nghiệm khách quan phủ rộng nhiều kiến thức, kỹ năng. Với cả triệu thí sinh thi tốt nghiệp thì thi trắc nghiệm toán là một giải pháp, với điều kiện người ra đề phải giỏi.

Trao đổi với báo chí vào sáng cùng ngày, GS Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, đánh giá: Trên quan điểm cá nhân thì các kỳ thi như xét tốt nghiệp phổ thông, thi trắc nghiệm nếu được chuẩn bị tốt có thể khá phù hợp.

Lo hổng kiến thức thật

Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến trái chiều về việc thi trắc nghiệm môn toán. GS Vũ Thái Luân, trợ lý thỉnh giảng tại Trường ĐH California - Mỹ, cho rằng hình thức thi trắc nghiệm môn toán chưa phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Ngoài những ưu điểm dễ thấy như gọn nhẹ, tăng tính công bằng, giảm gian lận thì vẫn còn những hạn chế như giảm khả năng phân loại học sinh, cần nhiều thời gian xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Theo GS Luân, về lâu dài, ngành giáo dục chưa chuyển biến được tư duy của người dân là quá coi trọng các kỳ thi THPT, ĐH thì việc thi trắc nghiệm sẽ dẫn tới một thế hệ học sinh thụ động, thiếu sáng tạo. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng học theo công thức, máy móc, học tủ, luyện thi theo ngân hàng đề thi trắc nghiệm, từ đó làm giảm khả năng sáng tạo, tư duy của học sinh. Đáng lưu ý, nếu áp dụng phương án này, nhiều trường THPT, giáo viên, trung tâm luyện thi sẽ hướng học sinh theo cách thi “ăn điểm” nhanh, đua nhau tạo ra các mẹo thi mà quên đi chất lượng đào tạo kiến thức thật.

Cùng nỗi lo này, GS Vũ Hà Văn, Trường ĐH Yale - Mỹ, phân tích: Thi trắc nghiệm rất thông dụng ở Mỹ, chẳng những trong các cuộc thi đại trà như SAT, mà cả trong nhiều cuộc thi cho học sinh năng khiếu. Tuy nhiên, cái khó khi thi trắc nghiệm ở Việt Nam là khâu ra đề. Đây là cả một ngành công nghiệp và ở Mỹ có những trung tâm lớn chuyên sản xuất đề bài cho các cuộc thi trắc nghiệm, sao cho phủ được những kiến thức cơ bản nhất học sinh cần có mà vẫn đòi hỏi thí sinh một khả năng tư duy nhất định, tránh được nạn học vẹt.

GS Trương Nguyện Thành, Trường ĐH Utah (Mỹ), cũng khẳng định để đề thi trắc nghiệm THPT đạt được yêu cầu thì mỗi môn cần có đội ngũ chuyên nghiệp đưa ra tiêu đề đánh giá. Danh sách tiêu đề (learning objectives) là những kiến thức cần thiết và được phổ biến rộng rãi. Từ đó, thiết kế câu hỏi và những câu trả lời làm sao để có thể phân biệt trình độ của thí sinh.
 
Nguồn: Yến Anh - http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/that-bai-neu-khong-chuan-bi-ky-2016091323085172.htm

Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét