LƯỠI BÒ LIẾM TRỌN ĐƯỢC BIỂN ĐÔNG?
Khống chế Biển Đông cũng là khống chế hầu hết các nước ở châu Á và tất cả các quốc gia giàu có trên thế giới, những nước có quan hệ thượng mại với châu Á.
Lưỡi bò Trung Quốc không thể liếm được Biển Đông
Ai cũng biết ngay đây là cái lưỡi bò ham hố của Trung Quốc thè ra định liếm trọn Biển Đông, biến một vùng biển rộng lớn nằm trên ngã tư giao thương quốc tế, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương thành ao nhà của họ. Vừa rồi, trên bài xã luận ngày 4.9.2012 của Nhân Dân Nhật báo in chữ đen, họ nói toạc ra chứ chẳng úp mở hay chữ vàng, chữ bạc gì nữa khi bà Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh : “Tôi nói ra, anh nói ra, đừng mơ hồ gì nữa, anh như thế nào, tôi như thế nào, phải hiểu như thế; anh muốn gì thì cứ việc, tôi vẫn cứ thế”.
…Ý định đó đã được tính toán rất kỹ từ rất lâu, được đưa vào sách giáo khoa để nhồi vào trẻ em Trung Quốc “ý thức về chủ quyền lãnh thổ” mà họ đã vẽ ra. Họ cho phát hành 23.527 tạp chí nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) để loan truyền rộng rãi nội dung trên. Trong 10 năm, họ đã khuyến khích làm 238 luận văn tiến sĩ về Biển Đông và các quần đảo với nội dung xác định chủ quyền Trung Quốc. Cũng trong thời gian đó, họ tổ chức 516 cuộc hội thảo về Biển Đông, biển Đông Bắc và các quần đảo đang tranh chấp.
Thật là ” Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”! Họ quyết sử dụng món võ quen thuộc, không phải võ Tàu, mà là võ Tây, nhưng là Tây phát xít.
Nhiều học giả Trung Quốc từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về sự không phù hợp của một chính sách “diều hâu” đối với tranh chấp tại Biển Đông. Ví như học giả Chu Hạo – Chuyên viên của Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Bắc Kinh – đăng trên tờ China Daily vào ngày 6-7 vừa rồi, chỉ rõ rằng : điểm nóng tranh chấp tại Biển Đông đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ năm 2010 đến nay. Ông cảnh báo, nếu tiếp tục chính sách ngoại giao pháo hạm, sự phát triển của Trung Quốc sẽ bị cho là mối đe dọa với nhiều nước khác; không tỉnh táo thì “Biển Đông sẽ là cái bẫy giam hãm Trung Quốc”. Giáo sư Hà Quang Hộ nói một cách chua chát “đòi hỏi vô lý là không biết giữ nhân tình”. GS Trương Kỳ Phạm khuyên nhà cầm quyền đừng theo luật rừng, nên theo luật biển. Giáo sư Trương Thư Quang:” Quyền lợi của Trung Quốc cần phải được các nước thừa nhận”. Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc chỉ rõ ra: “Chúng ta – Trung Quốc vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật.” Ông cũng khẳng định: “Đường chín đoạn (chiếm gần 80% Biển Đông) là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974″. GS. Sun Zhe, Đại học Thanh Hoa thì lưu ý rằng: “Nam Hải (Biển Đông) không phải là “ao nhà” (internal lake) của Trung Quốc, bởi phần nhiều vùng biển này thuộc về vùng biển quốc tế”. Trong bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng ngày 17-7 ông viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc Chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế…”.
Trong bối cảnh của Trung Quốc hiện nay, những tiếng nói vừa dẫn ra cho thấy truyền thống của “trăm nhà đua tiếng” thời Xuân Thu Chiến quốc, truyền thống của “cuộc vận động Ngũ Tứ” thời hiện đại trong lịch sử Trung Quốc vẫn chưa mai một, vẫn có một tác động cảnh tỉnh trong dư luận Trung Quốc. Những tiếng “Gào Thét” mà đại văn hào Lỗ Tấn của dân tộc Trung Hoa vĩ đại từng cổ vũ đầu thế kỷ XX không thể không làm cho một số thế lực hiếu chiến ở Trung Quốc phải cân nhắc.
Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer, “những cái đầu nóng theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đang muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc tranh luận nào bằng cách chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền. Sau loạt diễn biến đầu năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ định một Nhóm Dẫn đầu (LSG) trực thuộc Ủy viên Hội đồng Nhà nước Đới Bỉnh Quốc nhằm nắm quyền kiểm soát các hoạt động của nhiều bộ liên quan đến Nam Trung Hoa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc được giao trọng trách chỉ đạo và phối hợp các phản ứng của Trung Quốc. Hiện chưa có hoạt động nào kể trên chứng minh được hiệu quả hoàn toàn”.
C. Thayer nhấn mạnh, chừng nào việc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc còn chưa xong, thì những người muốn thăng tiến về quyền lực sẽ còn nêu ra vấn đề Nam Trung Hoa. Cho nên, sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp quyết định lập cơ sở đồn trú của Trung Quốc. Diễn biến mới này sẽ làm tăng quyền lực của quân đội [PLA] đối với các cơ quan dân sự trong việc bảo vệ chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Nam Trung Hoa. Cả hai động thái – điều đội tàu cá và lập cơ sở đồn trú – cho thấy Trung Quốc đang đi một bước cố ý nhằm tăng áp lực lên Việt Nam. Hai sự kiện đều là những quyết định có tính toán kỹ lưỡng về mặt chiến thuật.
Họ làm như vậy bởi lẽ, Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nguồn cung cấp cá và hải sản quan trọng, chiếm khoảng 7-8% tổng sản lượng cá biển và hải sản trên cả thế giới; trữ lượng dầu khí ở đó, theo sự ước lượng của Mỹ, lên đến khoảng 28 tỉ thùng, còn theo Trung Quốc thì khoảng 200 tỉ thùng, đủ cung cấp cho cả thế giới khoảng sáu năm rưỡi. Về phương diện chiến lược, đây là một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. “Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. […] 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. […] Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.”
Điều đặc biệt cần lưu ý là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là Trường Sa, có vị trí như một cái yết hầu, từ đó, người ta có thể kiểm soát tất cả các tàu bè qua lại, khiến cho quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được toàn bộ Biển Đông. Mà khống chế Biển Đông cũng là khống chế hầu hết các nước ở châu Á và tất cả các quốc gia giàu có trên thế giới, những nước có quan hệ thượng mại với châu Á. Chẳng trách mà Trung Quốc không mặn mà với UNCLOS vì Hiệp định này quy định các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, bao gồm việc đệ trình tranh chấp lên Tòa Án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
Vì thế, cũng dễ hiểu khi blogger mang tên Kongdeua ngang ngược và láo xược nói với người Philippine trong cuộc tranh chấp Bãi cạn trên biển : “Nếu mỗi người Trung Quốc đều nhổ một bãi nước bọt thì chúng ta sẽ làm chúng (Philippines) chết chìm”. Quả thật bloger này xứng đáng là hậu duệ của người lãnh đạo trước đây của họ với lời tuyên bố : “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore,…Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản […] xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy […] Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”.
Hiểu điều này để chúng ta càng thấm thía hơn bản lĩnh của ông cha ta trong trường kỳ dựng nước và giữ nước trong cái thế trứng chọi đá vẫn hiên ngang tồn tại vì đã nuôi dưỡng trong giòng máu quật cường quyết đánh tan cuộc xâm lược đến từ phong kiến phương Bắc thế kỷ XI. XIII, XV, XVII và thế kỷ XX cũng như không một chút mơ hồ để mềm dẻo, linh hoạt nhưng đủ mạnh mẽ , quyết liệt trước mọi mưu ma chước quỷ của chúng.
ĐỒNG BÀO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét