Sửa luật để tránh biến đất nước thành “bãi rác công nghệ”

Ngày 13-9, tiếp tục Phiên họp thứ ba, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình Dự thảo sửa đổi cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ, Luật này đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất vào đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. 
Phiên họp thứ ba của UBTVQH
Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ. Vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách.

Báo cáo thẩm tra Dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng trình bày thể hiện sự nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ. Các thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, cần chú trọng chuyển giao công nghệ trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu và nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách vào thực tiễn sản xuất.

Đa số ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ một cách toàn diện để khắc phục tình trạng không kiểm soát được công nghệ và máy móc, thiết bị nhập khẩu lạc hậu có thể biến nước ta thành một “bãi rác công nghệ”, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và đẩy lùi sự phát triển của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, Dự luật phải giải quyết được cái khó trong chuyển giao công nghệ giữa viện nghiên cứu, trường học và doanh nghiệp. Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật cần bao quát, toàn diện hơn, khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật và phải phù hợp với tình hình mới của đất nước. Đồng thời, Chủ tịch QH lưu ý, vụ việc của Formosa là bài học cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng công nghệ của các dây chuyền sản xuất khi nhập khẩu vào nước ta.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của UBTVQH, hoàn thiện dự án Luật trình ra QH xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XIV.
 
Nguồn: P.Thảo - http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/sua-luat-de-tranh-bien-dat-nuoc-thanh-bai-rac-cong-nghe-117855

Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét