Câu chuyện anh phóng viên báo “Tuổi trẻ” bị một người mặc thường phục được cho là cảnh sát hình sự huyện Đông Anh bạt tai, đá đít trên cầu Nhật Tân được các báo đăng tải đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong những ngày vừa qua. Sau khi một số tờ báo đăng tải bài viết “Phóng viên Báo Tuổi trẻ bị hành hung khi tác nghiệp” (kèm với hình ảnh một người mặc thường phục, áo đỏ chỉ ngón tay về anh phóng viên này) chưa biết thực hư thế nào, dường như cả làng báo đã lao vào lên án người cảnh sát và ra sức bảo vệ cho anh phóng viên.
Trên khắp các tờ báo Tuổi trẻ, Người Lao động, Thanh niên, Tiền phong, Người đưa tin, Đại đoàn kết, Công lý, Đất Việt; Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), VnMedia, Petrotimes, trang tin Zing... đồng loạt đăng tải các bài viết như: “Công an hành hung phóng viên, cản trở phóng viên tác nghiệp”, “Cảnh sát hình sự hành hung phóng viên Báo Tuổi Trẻ” (Báo Người Lao động); “Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên khi tác nghiệp” (Báo Thanh niên); “Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân”; “Phóng viên bị công an hành hung: Công an Hà Nội vào cuộc” (Báo Tiền phong); “Phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp: Hội Nhà báo VN lên tiếng”; “Nhà báo bị hành hung trên cầu Nhật Tân: GĐ Công an Hà Nội nói gì?” (Báo Người đưa tin)...
Với mật độ bài viết về sự việc này dày đặc trên các tờ bác vô hình chung đã hướng dư luận đi theo một hướng khác. Thậm chí, Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), trong chương trình thời sự lúc 19 giờ cũng đưa tin và hình ảnh cùng góc nhìn về sự việc này đã nhanh chóng làm bùng lên bức xúc của dư luận cả nước. Tất cả mọi sự chỉ trích, lên án, búa rìu dư luận đều hướng về anh cảnh sát mặc thường phục, đồng thời lên tiếng bảo vệ cho người phóng viên. Có thể nói, điều mà người ta nhận thấy lúc này đó là dư luận vô cùng phẫn nộ và sức bức trước hành động trên của anh cảnh sát.
Tuy nhiên, trong tất cả các bài viết này một điều mà người ta không thấy được đề cập đó là vì sao người phóng viên này lại bị đánh. Bên cạnh đó, những hình ảnh, đoạn ghi âm, video clip trước và sau hình ảnh được đăng tải trên các mặt báo lại không được các báo này đề cập. Chính vì không đưa ra được câu trả lời đó cho nên cũng không ít ý kiến được dư luận đặt ra, đó là anh công an này có bị khùng hay không mà tự nhiên lại đi đánh người? Phải có lý do gì thì người cảnh sát này mới tạt tai, đá đít anh phóng viên kia?...
Để giúp dư luận có cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện này, tôi xin đưa ra mấy vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ.
Thứ nhất, như tin đã đưa, vào lúc 8 giờ 30 ngày 23/9/2016, nhiều người dân hoảng hốt khi thấy thi thể một người đàn ông áo sẫm màu ở chân cầu Nhật Tân. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát hình sự và các lực lượng khác đã đến để phong tỏa bảo vệ hiện trường, tiến hành xác minh điều tra. Trên cầu có chiếc taxi (4 chỗ) có biểu hiện hư hỏng một số bộ phận, bên trong xe bị xáo trộn và thành xe có vết máu. Đại diện hãng taxi Vic xác nhận người đàn ông tử vong dưới cầu Nhật Tân là lái xe Mai Trọng Quỳnh (SN 1980), trú ở tổ 80 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.
Sau khi biết tin, rất nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí cũng đã nhanh chóng có mặt để tác nghiệp. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì thì sự việc trên đã xảy ra. Khi xem lại đoạn clip được ghi lại về những sự việc diễn ra trên cầu thì chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy lời nói của người cảnh sát mặc thường phục “mày chửi ai, hả” trước khi tung cú đá đít. Sau đó, tay phóng viên này nói “em đã xin lỗi rồi mà”. Điều này cho thấy, chắc chắn rằng anh phóng viên này đã có lời nói gì đó xúc phạm tới anh cảnh sát. Như vậy, anh phóng viên này cũng chẳng phải tay vừa. Người ta cũng có thể đoán ra là có thể anh phóng viên này đã cố gắng lăng xăng, tiếp cận hiện trường để đưa tin nhưng bị cảnh sát nhắc nhở nên đã chửi anh cảnh sát này điều gì đó.
Khi xem lại toàn bộ clip, người ta thấy, một sỹ quan cảnh sát mặc quân phục có tên Nguyễn Danh Thắng (số hiệu 091-446) đã giải thích nhẹ nhàng với phóng viên, đây là vụ trọng án, anh em đang tập trung điều tra như phóng viên đã thấy, mong anh hợp tác (ý nói hãy thực hiện công an yêu cầu), và cảnh sát đã yêu cầu phóng viên ra khỏi hiện trường nhiều lần để còn thực hiện nhiệm vụ. Sau đó phóng viên (báo Pháp luật) đòi hỏi cả thẻ công an đâu, nói “anh này là ai”, yêu cầu cảnh sát phải kiểm tra cảnh sát thường phục này là ai! Phóng viên có quyền như vậy sao?
Vấn đề thứ hai, trong các vụ án, một vấn đề hết sức quan trọng để tìm ra kẻ gây án thì nguyên tắc đầu tiên là phải bảo vệ hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng. Việc làm này càng kỹ càng bao nhiêu thì quá trình điều tra càng thuận lợi bấy nhiêu. Rất nhiều vụ án sau khi khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra có thể xác định ngay thủ phạm gây án (như vụ án giết 4 bà cháu ở Quảng Ninh vừa qua). Và để thu thập dấu vết, vật chứng thì một điều quan trọng là phải bảo vệ hiện trường nguyên trạng, tránh sự tác động, ảnh hưởng từ những người khác không liên quan. Tuy nhiên, người phóng viên này chỉ vì muốn đưa tin được nhanh (thực chất là để kiếm view cho bài báo của mình) đã cố tình phớt lờ điều đó, nhảy cả vào hiện trường đang được bảo vệ. Khi bị nhắc nhở còn chửi bới lại cảnh sát và đòi kiểm tra thẻ ngành.
Thử hỏi, có ai không bức xúc với việc làm đó? Ở đây tôi không hoàn toàn đồng tình với cách làm của anh cảnh sát là tạt tai, đá đít anh phóng viên, nhưng xin nêu lên những vấn đề này để dư luận nhìn nhận và đánh giá sự việc một cách khách quan, công tâm. Đừng cố gắng bảo vệ anh phóng viên kia bằng mọi giá.
VIỆT NGUYỄN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét