Không thực hiện phòng chống dịch sẽ bị xử phạt

Chiều 14-9, tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh 8 tháng, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các nước Đông Nam Á. Hà Nội là đầu mối giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới nên thành phố sẽ xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện công tác phòng chống dịch.
Giám sát thể trạng hành khách tại các cửa khẩu là cách phòng tránh vi rút Zika xâm nhập
Giám sát thể trạng hành khách tại các cửa khẩu là cách phòng tránh vi rút Zika xâm nhập
 Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Đề cập đến diễn biến tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Đáng lưu ý, vi rút này đang “tấn công” mạnh các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, kể từ ca mắc đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 8-2016 đến nay, số ca mắc Zika tại Singapore đang tăng lên từng ngày (283 ca). Trung bình mỗi ngày, quốc gia này ghi nhận từ 20 đến 27 ca mắc mới Zika.

Đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu lo ngại, muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng là muỗi truyền vi rút Zika lưu hành phổ biến ở nước ta. Trong khi đó, dịch bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở một số tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên.

“Nhờ có sự chủ động, dịch SXH năm nay tại Thủ đô tạm yên, song không thể chủ quan. Bởi lẽ, do giao lưu quốc tế, sự di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác dễ dàng và ngày một nhiều nên bệnh có thể lây lan xuyên biên giới chỉ trong một ngày. Việt Nam cũng đã lưu hành dịch bệnh Zika với 3 ca mắc. Thời gian qua đã có người Việt Nam, người nước ngoài sống ở Việt Nam ra nước ngoài xét nghiệm mang vi rút Zika...” - PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, trong các tháng cuối năm 2016, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, đặc biệt là SXH và bệnh do vi rút Zika. Đối với bệnh SXH, dự báo trong 4 tháng cuối năm sẽ có diễn biến phức tạp trên toàn thành phố. Đặc biệt, từ cuối tháng 9 và trong tháng 10, tháng 11, số ca mắc bệnh có thể tăng cao, nhất là khu vực Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. 
Phun muỗi khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Thái Hiền
Phun muỗi khử trùng để ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Thái Hiền
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, quan trọng nhất là Hà Nội phải tập trung khoanh vùng, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để ổ dịch. Bệnh do vi rút Zika có triệu chứng nhẹ, khó phát hiện. Nếu các địa phương chỉ tập trung lấy mẫu bệnh phẩm từ các ca mắc SXH nặng để phát hiện Zika thì chưa đủ. Ngay cả những bệnh nhân chỉ sốt trên 38 độ có các triệu chứng như: Đau khớp, đau cơ, viêm kết mạc… cũng có thể nhiễm Zika. Do đó, việc lấy mẫu xét nghiệm Zika cần tiến hành mở rộng ở các phòng khám, trạm y tế… Nếu không khoanh vùng kịp thời, từ một ca bệnh sẽ bùng phát thành dịch như Singapore thì sẽ rất phức tạp.

Tiếp tục củng cố các đội chống dịch cơ động

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, để ngăn chặn Zika xâm nhập, ngoài việc tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để, kịp thời khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, biện pháp phòng dịch hiệu quả chính là vệ sinh môi trường hằng tuần, nhất là những nơi tập trung đông dân cư, không để muỗi có nơi cư trú, sinh sản.

Ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý, vệ sinh phòng chống Zika và SXH khác vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Ngoài việc thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, người dân cần thu dọn những dụng cụ chứa nước như: Lốp xe đọng nước mưa, lọ hoa, chai lọ đọng nước… nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy. Thành phố cũng sẽ tiếp tục củng cố các đội chống dịch cơ động, sử dụng các đội thường xuyên trong điều tra xử lý ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẵn sàng 5 đội chống dịch cơ động; mỗi trung tâm y tế quận, huyện, thị xã 2 đội (mỗi đội tối thiểu 3 cán bộ).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH”; đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương theo hướng dẫn của Ngành Y tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, từ nay tới cuối năm, Sở Y tế tiếp tục tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch SXH, những nơi có nguy cơ cao… đúng kỹ thuật; bảo đảm đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra phòng chống dịch... 
 
 Nguồn: Thu Trang - http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/848233/khong-thuc-hien-phong-chong-dich-se-bi-xu-phat
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét