NHỮNG NHẬN ĐỊNH, ĐÁNH GIÁ CHỦ QUAN, PHIẾN DIỆN TRONG BÀI VIẾT CỦA TRẦN VĂN CHÁNH

Đọc bài viết “Ghi chép một số nhận định về việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác- Lênin tại Việt Nam” của tác giả Trần Văn Chánh. Ngay từ tiêu đề của bài viết đã tạo cho người đọc một sự thiếu tin tưởng và không có cơ sở khoa học. Ghi chép một số nhận định nhưng thực chất đây là sự cóp nhặt, chộp giật những câu từ, đoạn đối thoại không đặt trong một văn cảnh cụ thể rồi phỏng đoán theo những suy nghĩ cá nhân. Xét về góc độ triết học thì đây là sự nhìn nhận đánh giá một cách chưa toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển.

Là một sinh viên mới ra trường, nhưng khi đọc bài viết của Trần Văn Chánh, tôi thấy đây là tư tưởng xét lại, xa rời lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, đi ngược với đường lối chủ trương, chính sách của Đảng ta. Nhiều luận điểm, nhận xét không có cơ sở khoa học và thiếu khách quan. Trong bài viết có đoạn “Thay vì dùng triết học để soi sáng cho đường lối chính trị, có một hiện tượng không bình thường đã xảy ra ở các nước XHCN, trong đó có nước ta, đó là việc dùng chính trị để nghiên cứu và chi phối triết học. Từ chủ nghĩa duy ý chí (hay từ những đòi hỏi chính trị), người ta đã có những giải thích lệch lạc tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, biến nó thành học thuyết giáo điều, rồi trên cơ sở chủ nghĩa Mác đã giáo điều hóa, xây dựng một hệ thống các tư tưởng chính trị...để đến lượt chính hệ thống này chi phối lại việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác...”. Có thể nói, đây là nhận định phiến diện một chiều. Hơn 86 năm qua, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lê nin, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những sự kiện nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó gắn liền với thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng đúng đắn sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp sau đó là sự thành công trong công cuộc đổi mới đất nước... Có được những thắng lợi to lớn đó, là do Đảng ta đã nắm chắc tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng và phát triển sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, trên cơ sở đó bổ sung, làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì lẽ đó, trong nhiệm vụ đổi mới công tác tư tưởng lý luận, tại Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XII Đảng ta chỉ rõ: “...đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả.”; “Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...”. Như vậy, sao có thể nhận định là “giáo điều hóa”, “giải thích lệch lạc” chủ nghĩa Mác- Lê nin được.

Một trong những nhận định trong bài viết mà bản thân thấy không khách quan và thiếu cơ sở khoa học, theo Trần Văn Chánh viết: “...mà hỏi ra thì gần như 100% sinh viên đều cho biết họ phải học nó một cách hết sức trầy trật, vất vả, chán nản, theo kiểu ê a thuộc lòng như để “trả nợ quỷ thần”...”; “...Sau khi được trang bị chủ nghĩa Mác- Lê nin bằng cách giảng dạy, hấp thụ cũ kỹ từ trước, thực tế đầu óc các em sinh viên chẳng những không vỡ vạc ra điều gì mới mẻ về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp làm việc..., trái lại còn trở thành những kẻ nô lệ đáng tội nghiệp, từ đó thui chột hết tinh thần phê phán và óc sáng tạo...”. Đây là sự thống kê, bịa đặt, thiếu khách quan, không chính xác. Trong thực tiễn hiện nay, triết học đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan, hệ thống giá trị văn hóa nhân văn cho sinh viên, nó như “la bàn” giúp họ định hướng tính tích cực xã hội và chính trị của mình vào mục đích xây dựng, sáng tạo. Triết học đem lại cho sinh viên tri thức về các mối quan hệ xã hội, về bản chất, chức năng của nhà nước và của pháp luật, về mục đích tồn tại của con người, về cái thiện và cái ác, về mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước và xã hội, về tự do và trách nhiệm. Khi nghiên cứu tính quy luật của sự hình thành nhân cách, nhân cách sinh viên, chúng ta thấy rằng nhân cách chỉ được hình thành và phát triển cùng với quá trình giáo dục và tự giáo dục, quá trình giao tiếp, quá trình hoạt động thực tiễn bộc lộ những "phẩm chất người" của mỗi con người..; trong đó, giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục triết học Mác - Lênin cho sinh viên là một yếu tố hợp thành quan trọng của nền giáo dục đại học nước ta hướng đến việc xây dựng những thế hệ sinh viên có nhân cách trong sáng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Biểu hiện cụ thể là: giáo dục triết học Mác - Lênin trong trường đại học nhằm góp phần hình thành thế giới quan khoa học trong nhân cách sinh viên Việt Nam; góp phần xây dựng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa cho sinh viên, xây dựng trong họ những quan niệm đúng đắn về cuộc đời, về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống; góp phần xây dựng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ sinh viên Việt Nam. Vì vậy, giáo dục triết học Mác - Lênin nhằm từng bước xây dựng lý tưởng cách mạng cho sinh viên là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đó cũng chính là giá trị đạo đức của từng cá nhân sinh viên mang nhân cách, là mục tiêu phấn đấu của mỗi sinh viên. Đạt đến mục tiêu này, giáo dục triết học Mác - Lênin hoàn toàn khẳng định vai trò quan trọng và quyết định của mình trong cuộc đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái đạo đức, nhân cách của sinh viên trước những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Như vậy, học triết học Mác - Lênin là rất cần thiết chứ không phải như ai đó cho rằng “phải cải tổ căn bản...cho sinh viên đỡ khổ...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá và vận dụng sáng tạo thàng công vào cách mạng Việt Nam, Người đã đúc kết: “Gạo đem vào giã bao đau đớn; Gạo giã xong rồi trắng tựa bông; Sống ở trên đời người cũng vậy; Gian nan rèn luyện mới thành công.”. Đó cũng chính là sự kế thừa và phát triển tư tưởng triết học mà mỗi người dân Việt Nam ai cũng có thể hiểu được và làm theo không một chút “giáo điều”, “lệch lạc”. Như vậy, “học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo tuồng, cải lương, múa, xiếc...cũng phải học” là điều đương nhiên. C.Mác cho rằng: “sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên” và luôn hướng tới một xã hội tiến bộ, tốt đẹp...Tuy nhiên vẫn có những người với định kiến cá nhân, bằng những bài viết, những lời nhận xét thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học, rắp tâm xét lại, kéo lùi lịch sử, xa rời cơ sở lý luận "hạt nhân" của chủ nghĩa Mác- Lênin đó là hành động không hợp quy luật và tất yếu sẽ bị đào thải.

PHƯƠNG VĂN
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét