Lại thêm một vụ trọng án giết 4 người (trong đó có 3 trẻ em) nữa xảy ra. Dư luận kinh hoàng và phẫn nộ mong nhanh chóng phanh thây lũ máu lạnh. Ấy vậy nhưng các công cụ "quyền lực" thì đang mải "đánh nhau". Báo chí (quyền lực thứ tư) và cư dân mạng đang mải chọi với mấy vị công an Đông Anh trong vụ phóng viên bị đá đít.
Chuyện gì cũng có căn nguyên của nó, và để công tâm thì nên xem xét từ mọi khía cạnh, đừng lên đồng tập thể khi tâm lý đám đông bị kích động phiến diện.
Tôi không nói lại khía cạnh tích cực mà cơ quan điều tra và báo chí mang lại cho sự yên bình và công bằng xã hội, cho sự hướng thiện dư luận mà chỉ nói về sự thiếu chuyên nghiệp trong tác nghiệp của công an và báo chí dẫn đến bức xúc.
Sự thiếu chuyên nghiệp của một số chiến sỹ công an dẫn đến xung đột trong vụ nghi nhảy cầu tự vẫn của lái xe tắc xi trên cầu Nhật Tân ở chỗ:
Họ đã không có sự chuẩn bị sẵn cho tình huống khoanh vùng, bảo vệ hiện trường mà lẽ ra phải có. Chẳng hạn như, dây chăng cảnh báo khu vự cấm xâm nhập hoặc vật cản (biển báo, xe chuyên dụng...)
Họ đã sử dụng lực lượng thiếu hợp lý để ngăn cản người không có phận sự vào khu vực cấm. Chẳng hạn như, công an xã, trinh sát thường phục làm yếu đi uy quyền, thiếu chuyên nghiệp khi xử lý tình huống ngăn người ngoài xâm nhập hiện trường.
Họ đã thiếu bình tĩnh khi gặp tình huống kích động thể hiện qua lời nói và cử chỉ khi gặp phải đối tượng chây lì, bất chấp đạo đức, thách thức luật pháp. Một cái đập máy quay, một cú đấm vào mặt, một cái đá đít phóng viên đều không có trong giáo trình nghiệp vụ.
Xem lại một số clip được tung lên mạng, tôi thấy một người mặc thường phục dùng cái bụng của mình để húc cản một người cầm máy ảnh cố xông vào hiện trường. Một nhân viên công an xã không thể cản được một người phóng viên cố xông vào hiện trường. Một vị cảnh sát ra yêu cầu phóng viên ra ngoài khu vực làm án vẫn không được chấp hành. một vị công an mặc thường phục đá đít phóng viên đuổi họ ra vòng ngoài... là những hình ảnh khiến dư luận thiếu thiện cảm, lên án.
Sự thiếu chuyên nghiệp của phóng viên báo chí thể hiện ở chỗ:
Đi làm tin về vụ án (cho báo pháp luật) mà lại thiếu hiểu biết về tố tụng hình sự. Hiện trường vụ án là nơi bất khả xâm phạm khi chưa được phép của cơ quan điều tra. Đấy là nơi mà cơ quan điều tra thu thập chứng cứ cho vụ án, nếu hiện trường bị xáo trộn thì điều tra sẽ rất khó khăn. Đã có trường hợp do thiếu kiến thức dẫn đến mất dấu vết, thậm chí dấu vết thu được lại là của "quân ta". Không ít đối tượng gây án trà trộn trở lại hiện trường để nghe ngóng, để xóa dấu vết. Lẽ ra bạn phóng viên phải biết và tôn trọng yêu cầu của công an.
Xem các clip thì thấy thái độ của bạn phóng viên báo Pháp luật, Tuổi trẻ thể hiện sự chây lì, không khiếm nhã, cố khiêu khích người thi hành công vụ. Bạn cố tình không trình thẻ phóng viên mà cứ luồn lách bên này, bên kia, nói năng thiếu chuẩn mực để người khác quay clip, đe dọa tung lên mạng.
Xem clip, các bạn sẽ thấy các anh công an đã cố giải thích, nhũn nhặn khi phải yêu cầu, thậm chí van xin các phóng viên không vào khu vực bảo vệ. Nhưng rất tiếc các bạn đã quá coi thường người khác, bỏ ngoài tai mọi yêu cầu của những người thi hành công vụ, thay vào đó là lý sự cùn kiểu đe dọa "tung lên mạng, lên báo". Cách hành xử của các bạn là thiếu văn minh, không hợp pháp và vô cùng tai hại bởi hành động của các bạn có thể làm mất đi hoặc thay đổi các dấu vết tại hiện trường vụ án.
Khi đã có clip trong tay, các bạn phóng viên và cư dân mạng đã thiếu trung thực trong cung cấp thông tin. Các bạn đã cắt xén để lấy những thông tin có tính dẫn dắt dư luận (bị đấm, bị đá) lên án công an, gây áp lực với các lãnh đạo, hoặc tệ hơn là làm xấu đi hình ảnh một lực lượng trong mắt nhân dân. Công an có quyền (được pháp luật bảo hộ) bảo vệ hiện trường bằng mọi giá, các bạn đừng bước qua giới hạn đó.
Giá như các bạn có liêm sỉ một chút, giá như các bạn có tình người một chút, giá như các bạn đừng coi mình là cái rốn của vũ trụ, và biết tỏ ra tôn trọng những người đang thi hành công vụ một chút thì chuyện như thế này đâu có xảy ra? Những đồng nghiệp khác của các bạn vẫn tác nghiệp được cơ mà.
Trước một vụ (nghi) án mạng, công an đang vất vả tìm cách bảo vệ nguyên vẹn hiện trường để lực lượng kỹ thuật hình sự vào cuộc điều tra mà các bạn tác nghiệp như các bạn đang cản trở công an tác nghiệp chứ không phải công an cản trở các bạn.
Các bạn báo cũng nên hiểu, khu vực người nằm chết dưới gầm cầu và cả khu vực chiếc taxi đỗ cũng đều là hiện trường vụ án. Khu vực này cần được phong tỏa để phục vụ khám nghiệm hiện trường. Khi chưa có dây căng, rào chắn để bảo vệ hiện trường thì công an sẽ phải cực chẳng đã sử dụng con người để bảo vệ. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường này cần được tôn trọng và đối xử văn minh.
Tôi đã nghe những tiếng khiêu khích, kích động của người quay clip, tôi cũng thấy sự lì lợm của anh phóng viên không xuất trình thẻ khi tác nghiệp. Một cú đá đít là hành vi thiếu chuyên nghiệp, nhưng nếu ở phương Tây, tôi chắc các bạn sẽ bị còng tay vùi mặt xuống đất và còn có thể ăn kẹo đồng.
Nói thêm, các bạn đừng có thủ dâm như lên đồng khi công an Đông Anh lên tiếng xin lỗi phóng viên. Đó là cách hành xử văn minh của công an Hà Nội với những gì mà họ làm sai với phóng viên báo Tuổi Trẻ chứ không phải với phóng viên báo Pháp Luật.
Nếu mọi "quyền lực" đều văn minh thì sẽ không có chuyện "đá" nhau khi tất cả chúng ta đều vì trật tự xã hội.
KÍNH CHIẾU YÊU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét