Câu chuyện về tương lai nhân loại viết từ quá khứ Chernobylt

Từ thảm họa công nghệ khủng khiếp nhất thế kỉ hai mươi, nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich đã viết nên cuốn sách “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”. Bằng cách ghi lại những cảm xúc chân thực nhất, những di chứng đã lưu trú vĩnh viễn trong tâm hồn những con người đã trải qua thảm họa, bà đã đặt ra những vấn đề về tương lai của nhân loại. Dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ. Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra chiều 9/11 tại Không gian văn hóa Đông Tây nằm trong làng sinh viên Hacinco.

Sau khi sở hữu tới ba mươi đầu sách dịch, với hành trình lao động không mệt mỏi, dịch giả Nguyễn Bích Lan, cô gái được biết đến với nghị lực phi thường, vừa hòan thành cuốn sách dịch mới nhất có tên “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”. Đây là cuốn sách thuộc thể phi hư cấu, một trong những tác phẩm của nữ nhà văn, nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich, đã góp phần đưa bà đến với giải Nobel văn học 2015.
Các diễn giả tại buổi ra mắt, từ trái qua: Lê Thị Thu Ngọc - người biên tập cuốn sách, dịch giả Nguyễn Bích Lan, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và PGS.TS Lê Văn Đông - Bộ môn Chống độc, Học viện Quân Y.


Về phía người dịch, Nguyễn Bích Lan nói rằng, đây là cuốn sách “quan trọng nhất trong hành trình văn học” của chị. Giải thích về điều này, chị cho biết: “Ngay từ khi tiếp cận với bản thảo, tôi đã có linh cảm rằng đây là một cuốn sách đặc biệt”. Từ linh cảm đó, Nguyễn Bích Lan đã tìm cách liên hệ với tác giả, xin phép về bản quyền để dịch cuốn sách. Như thường lệ, Nhà xuất bản Phụ nữ, nơi Bích Lan coi là “Nhà xuất bản bà đỡ” cho sự nghiệp dịch của chị là đơn vị xuất bản đứa con tinh thần tâm huyết này.
“Lời nguyện cầu từ Chernobyl” là những kí họa cảm xúc, những ghi chép tỉ mỉ của tác giả Svetlana Alexievich, người đã có mặt tại Chernobyl mười năm sau thảm họa nổ lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân ngày 26/4/1986. Bà đã gặp gỡ, tiếp cận, phỏng vấn gần 500 người là nhân chứng hay nạn nhân của vụ nổ, từ những người lính làm nhiệm vụ cứu hỏa, sơ tán dân, chôn cất những ngôi làng nhiễm xạ đến những phi công làm nhiệm vụ thả cát từ máy bay xuống lò phản ứng để hạn chế sự phát tán của phóng xạ, những thợ mỏ, các nhà khoa học… Những thân phận con người sau một biến cố lớn, một thảm họa về công nghệ mang tầm thế giới đã được tái hiện ám ảnh trong cuốn sách, trong đó những câu chuyện gắn liền với những kiến thức, số liệu về lĩnh vực hạt nhân. Lựa chọn dịch cuốn sách ở thể phi hư cấu này, sự vất vả của dịch giả dường như tăng lên gấp nhiều lần, nhưng Bích Lan không đầu hàng mà vẫn hoàn thành xuất sắc trong hai năm. 
Nguyễn Bích Lan cho biết, "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" là cuốn sách quan trọng nhất trong hành trình văn học của chị.

Chia sẻ với cái gọi là "linh cảm về một cuốn sách đặc biệt", Nguyễn Bích Lan cho biết: "Tôi dịch cuốn sách này là vì Việt Nam ta đang bị "phơi nhiễm" trước nguy cơ sống chung với điện hạt nhân. Và không ai có thể khẳng định một nhà máy điện hạt nhân sẽ tuyệt đối không có sự cố. Nhìn rộng ra, vấn đề môi trường đã là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của chúng ta". Chị cũng viết trong phần mở đầu cuốn sách: Quá khứ luôn chứa đựng những bài học mà chúng ta cần tiếp thu để đi đến tương lai một cách an toàn và sáng suốt. 
Tác giả Svetlana Alexievich cũng nhấn mạnh ngay từ đầu cuốn sách rằng, Belarus, đất nước bà không hề có một nhà máy điện hạt nhân nào, nhưng lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ vụ nổ tại Chernobyl vốn nằm trên lãnh thổ của Liên bang Xô Viết. Sau thảm họa đó, đất nước nhỏ bé mười triệu dân của bà đã có 485 ngôi làng bị xóa sổ trong đó 70 ngôi làng bị chôn lấp vĩnh viễn dưới lòng đất (trong khi toàn bộ chiến tranh thế giới thứ hai, Belarus có 619 ngôi làng bị tàn sát). Cũng trong chiến tranh, một phần tư dân số Belarus bị thiệt mạng, còn giờ đây, một phần năm dân số đất nước này (khoảng 2,1 triệu người) phải sống trên những vùng đất nhiễm phóng xạ. 
Đã có quá nhiều phân tích, tổng kết, đánh giá về thảm họa Chernobyl dưới góc độ khoa học, xã hội, công nghệ… nhưng dường như chưa có một khai thác ngang tầm dưới góc nhìn về những thân phận con người sau thảm họa thế giới này. Đó cũng là điều Svetlana Alexievich nhận thấy và là một trong những lí do bà quyết định bỏ thời gian, công sức, đối mặt với nguy hiểm về tính mạng để viết cuốn sách. Bà chia sẻ: “Những dữ liệu mang tính kĩ thuật không thể gần sự thật hơn một cảm xúc, một lời đồn đại, một hình ảnh mơ hồ. Tại sao chúng ta cứ lặp lại những dữ liệu – chúng che giấu cảm xúc của chúng ta?”. Ở góc độ người dịch, Nguyễn Bích Lan nhận xét về tác phẩm của Svetlana Alexievich: "Trên hết, nó là một tác phẩm đầy tính nhân văn. Nó nhắc nhở chúng ta về tình yêu, không chỉ giữa người với người, mà với mọi sinh vật trên địa cầu này".
Dù trời mưa rét, địa điểm ra mắt sách ở xa trung tâm nhưng khán phòng vẫn kín chỗ.

Tại buổi ra mắt cuốn sách, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học đã bày tỏ cảm nhận về “Lời nguyện cầu từ Chernobyl”, hầu hết đều cho rằng, đây là vấn đề của nhân loại, đặt ra nhiều câu hỏi cho hiện tại cũng như tương lai và cũng rất gần gũi, quan thiết với Việt Nam. Rất cần một sự hiểu biết, một thái độ ứng xử với vấn đề hạt nhân khi mà việc phát triển và ứng dụng nó vốn là con dao hai lưỡi mà cái lưỡi bên kia có khi còn sắc và đau gấp nhiều lần lưỡi bên này. Cũng tại buổi ra mắt sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ nói rằng, bằng việc xuất bản cuốn sách, Nhà xuất bản Phụ nữ muốn góp một tiếng nói về vấn đề hạt nhân qua một tác phẩm văn học. Cuốn sách như một lời nguyện cầu cho một thế giới hòa bình, nhân văn. 
Bà Khúc Thị Hoa Phượng nói về ý nghĩa của việc xuất bản cuốn sách.


Chernobyl giờ đây như một vết sẹo chết chóc trên bản đồ thế giới. Nơi đây đã chôn vùi cái gọi là thành tựu khoa học đáng tự hào, chôn vùi những ước mơ, chôn vùi những phận người, nơi đã chứng kiến sự thua cuộc của con người khi không thể kiểm soát những thứ do mình sáng tạo nên.
30 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân khủng khiếp, Chernobyl đã thành một phần quá khứ của nhân loại. Và câu chuyện mà tác giả Svetlana Alexievich chia sẻ được dịch giả Nguyễn Bích Lan gửi đến độc giả Việt Nam thực ra là câu chuyện của tương lai, những vấn đề của tương lai được viết từ quá khứ. 
Quá khứ đau đớn ấy mang tên Chernobyl.

Nguồn: Dương Tử - http://vannghequandoi.com.vn/Su-kien/cau-chuyen-ve-tuong-lai-nhan-loai-viet-bang-qua-khu-chernoby-9715.html

Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét