Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thêm một lần tác động lớn tới tâm tư, tình cảm và khát vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi tinh thần cốt lõi của Nghị quyết vẫn là nhìn thẳng sự thật để đưa ra các giải pháp.
Thực ra, tinh thần nhìn thẳng sự thật trong Đảng đã được Trung ương chỉ ra từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Thời điểm đó, Trung ương yêu cầu “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”. Đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Trung ương đặt tên Nghị quyết nói lên tính cấp thiết của vấn đề, đồng thời, thể hiện tinh thần nhìn thẳng sự thật: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cấp bách là vậy và cũng vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Từ việc thực hiện NQ Trung ương 4 (Khóa XI), như NQ Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu: tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng đã góp phần đấu tranh những suy nghĩ và hành vi sai trái; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cũng trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung 4 (Khóa XI) này, BCH Trung ương Đảng nhận thấy suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là vấn đề nhức nhối trong tình hình hiện nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, BCH Trung ương đã lựa chọn vấn đề này làm nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Năm 2012, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), BCH Trung ương khẳng định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Lần này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), BCH Trung ương chỉ rõ hơn: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”. Hơn thế, Trung ương còn phân tích về mức độ nguy hiểm: “Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí, rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Từ sự nhận diện thực trạng, trong văn bản Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), BCH Trung ương đã nêu rõ thực trạng liên quan đến cán bộ, đảng viên như: “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”; “Sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”; “Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở. Thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”; “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng...”.
Tiếp nối tinh thần thẳng thắn, mổ xẻ các nguyên nhân có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, có thể nhận thấy từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là một sự phát triển, thể hiện quyết tâm chính trị cao của tập thể BCH Trung ương. Nếu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề cập đến các vấn đề tổng thể liên quan đến năng lực lãnh đạo của Đảng cần phải có giải pháp cấp bách thì Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tập trung vào việc chỉ ra các biểu hiện, tìm các giải pháp chữa trị căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nói cách khác, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là Nghị quyết chỉnh đốn cán bộ, nêu cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, có liên quan chặt chẽ đến thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), có thể nhận thấy tinh thần thẳng thắn của BCH Trung ương, thể hiện quyết tâm nhận diện sự thật, quyết tâm chữa trị bằng được căn bệnh làm băng hoại đạo đức cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đưa những bức xúc của người dân về cán bộ, đảng viên vào tinh thần Nghị quyết, điều đó đã phản ánh nỗ lực củng cố mối quan hệ giữa Đảng với người dân, mang đến cho người dân niềm tin tưởng về các quyết sách cụ thể hóa Nghị quyết trong nay mai.
Dĩ nhiên, quyết tâm chính trị không chỉ là lời nói, vấn đề cốt lõi, sau lời nói là việc làm. Cán bộ, đảng viên và người dân đang đặt nhiều niềm tin vào BCH Trung ương, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến nay, với việc nhiều vụ việc tham nhũng, nhiều lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành, cấp tỉnh được Trung ương xử lý nghiêm minh khi sai phạm. Với những căn cứ hệ trọng ấy, tin rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sẽ mang lại “sức sống” tốt hơn cho các cấp ủy đảng, từng bước làm trong sạch bộ máy để thực sự Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là đảng của dân tộc Việt Nam./.
TRUNG ĐỨC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét