Tướng Nguyễn Sơn trên mặt trận văn hoa

Hồi còn nhỏ, trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do (Liên khu 4), tôi đã loáng thoáng nghe về tướng quân Nguyễn Sơn. Sau này, có biết thêm chút ít về cuộc đời và những cống hiến của ông ở Trung Quốc và ở Việt Nam với cái tên quen thuộc “lưỡng quốc tướng quân”. Song, đối với tôi, ông vẫn là một “ẩn số” khó có lời giải đáp vì cái thật và cái huyền thoại bao trùm lên cuộc đời ông, quá nhiều những khác lạ cùng tồn tại trong một con người, một nhân cách “rất Nguyễn Sơn”, chỉ có ở Nguyễn Sơn. Có lẽ, cái khác lạ đậm đặc nhất, như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cộng sản kiên định, một con người có khí phách, có chút ngang tàng; nhưng phải nói anh là một vị tướng tài năng. Anh Sơn chẳng những có tài về quân sự mà còn có khả năng về chính trị, về tuyên huấn, về văn nghệ. Anh lại có phong cách riêng - rất là Nguyễn Sơn. Ví dụ: làm chủ hôn mà bắt cô dâu và chú rể phải làm thơ thì chỉ có anh Sơn thôi” (lời phát biểu lại buổi sinh hoạt kỉ niệm 85 năm ngày sinh của tướng Nguyễn Sơn, 3/12/1993). 

Nhận xét ấy làm tôi bất ngờ, vì lâu rồi, chỉ nghe về ông với tư cách một võ tướng độc đáo, ngang tàng. Tuy bận nhiều việc khác, thỉnh thoảng tôi tìm đọc để thử làm rõ cái độc đáo “văn võ song toàn” của Nguyễn Sơn, nhưng tài liệu, tư liệu về ông, về hai nhân tố độc đáo đó trong tầm vóc Nguyễn Sơn không có được bao nhiêu, vì phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng của ông lại ở Trung Quốc trong hai mươi năm gian khổ nhất của cách mạng Trung Quốc. Ẩn số vẫn chưa thể giải đáp.

Sau này, khi nhận nhiệm vụ là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu IV, nơi những năm 1946-1950, ông đã từng là Tư lệnh trưởng nổi tiếng Liên khu 4, tôi có thêm một ít tư liệu và những hiểu biết về Nguyễn Sơn để lí giải, tuy chỉ là ban đầu, về cái khác lạ, cái rất Nguyễn Sơn đó. Tôi tâm đắc với đoạn văn của Chu Ngọc viết về Nguyễn Sơn: “Người cán bộ quân sự ấy bảo vệ đất nước không chỉ đơn thuần về mặt súng đạn. Anh đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao tâm hồn người Việt Nam để yêu nước hăng say, yêu con người, yêu ngôn ngữ, yêu giọng nói, điệu múa, yêu thơ, yêu hoa...”. Đó là phẩm giá đặc biệt nhất tạo nên tài năng quân sự của ông. Đó là những giá trị sâu thẳm nhất, bền vững nhất quyện chặt trong nhân cách của ông. Và, phải chăng, không phải chỉ của ông, mà cần, rất cần cho tất cả những người cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này vẫn rất cần những giá trị đó.

Sau khi cảm nhận rõ về phẩm giá bên trong nhân cách Nguyễn Sơn, ý định ban đầu của tôi là tìm hiểu võ tướng Nguyễn Sơn sành văn chương, như một người yêu thích, có thú vui riêng với văn chương, nghệ thuật không còn là mục đích nữa. Ý định đó không sai, song, có lẽ, chưa trúng và ít nhiều có phần cạn nông. Thực chất vấn đề nằm ở chỗ khác, sâu hơn nhiều.


Mười bảy tuổi, khi còn rất trẻ, ông đã bí mật ra đi, biệt tăm, biệt tích hai mươi năm trời. Hai mươi năm chiến đấu trên khắp chiến trường ở Trung Quốc, có lúc gian khổ đến tận cùng và cả gian truân, trắc trở cũng đến tận cùng (hai lần bị khai trừ Đảng, một lần khai trừ lưu Đảng). Nghĩ về những tháng năm dài đó, sau này ông tâm sự: “Trong những ngày tham gia Vạn lí trường chinh, khi vượt qua những chặng núi tuyết lạnh thấu xương, mỗi lần tôi ngân lên một câu Kiều là thấy lòng mình ấm lại, là có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Ông thuộc lòng Truyện Kiều và có lần đã giảng suốt một ngày về Truyện Kiều cho Trường thiếu sinh quân khu 4. Tướng Nguyễn Sơn mê Truyện Kiều vì nhận thấy trong kiệt tác này những giá trị của văn hóa dân tộc, là tình yêu đối với dân tộc và Tổ quốc. Sau hai mươi năm xa Tổ quốc, khi trở về, ông tâm sự với ông Hoàng Minh Phương về khái niệm Tổ quốc trong ông: “Đúng, Tổ quốc không phải là cái gì trừu tượng, mà là cái gì cụ thể, gắn liền với bao kỉ niệm thời thơ ấu và tuổi thanh xuân của một con người. Đối với tớ, Tổ quốc là phố Yên Ninh, là Hồ Gươm Hà Nội, là tô phở tái nạm, là bát bún riêu có mùi mắm tôm, là đĩa bánh cuốn với bát nước chấm có hương vị cà cuống mà bao năm xa nước, xa nhà, tớ không thể nào có được... Càng sống lâu trên đất khách quê người lại càng nhớ nước”.

Cái gì theo ông là tiêu biểu cho tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam, cho văn hóa dân tộc, ông đều kiên quyết bảo vệ, khẳng định, tìm mọi cách phát triển, mặc dầu, về chức trách được giao là nhiệm vụ chỉ huy quân sự, ông vẫn say sưa thực hiện. Thời ấy, những năm 1947-1950, người ta không chấp nhận chèo, tuồng vì coi là của phong kiến, mang tư tưởng lạc hậu, trái với cách mạng, phải dẹp bỏ. Với tầm nhìn sâu rộng, bản lĩnh và năng lực đi trước, vượt qua những hạn chế lịch sử một thời, Nguyễn Sơn đã tỉnh táo, tâm huyết, kiên quyết lập lại đội tuồng chèo và giao cho nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi phụ trách. Theo Minh Quang, “trùm chèo Nguyễn Đình Nghi rất khâm phục ông tướng của mình” (Nguyễn Sơn - vị tướng huyền thoại, Nxb Trẻ, 2001, tr.77) và Nguyễn Đình Nghi thường tâm sự thân mật với võ tướng Nguyễn Sơn về nghề nghiệp. Có lẽ, phải vài chục năm sau, tư duy máy móc, nông cạn, thiếu hiểu biết về các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống (tuồng, chèo, cải lương...) mới dần được vượt qua. Tướng Nguyễn Sơn đã đi trước thời đại hàng chục năm trong nhận thức về vấn đề hệ trọng trên.

Trường hợp điệu múa Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng là một minh chứng sinh động cho sự nhạy cảm đối với nghệ thuật dân tộc của Nguyễn Sơn. Về đóng quân ở Thọ Xuân, sau khi nghe ngóng, nghiên cứu, ông đánh giá: đây là một điệu múa dân tộc mà nhiều người lúc đó không nhận thấy giá trị của nó. Ông đã gặp chính quyền địa phương đề nghị dựng lại điệu múa này (xin nói nhỏ: kinh phí tổ chức do quân khu trưởng Nguyễn Sơn chịu). Lúc đó còn nghèo lắm, nhưng ông kiên quyết phục dựng, trang phục theo thời cổ như yêu cầu của điệu múa. Người dân được xem một tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc đã nhiều năm bị lãng quên. Đến nay, Xuân Phả đã trở thành một tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu, không chỉ cho văn hóa xứ Thanh, mà còn của cả nước.

Rõ ràng là, văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc đối với Nguyễn Sơn không phải là thú vui khi nhàn rỗi, không phải chỉ là sở thích cá nhân đơn thuần. Tình yêu dân tộc, yêu đất nước, yêu con người trong ông có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu văn hóa, văn nghệ dân tộc.

Chính từ phẩm chất đặc biệt trên trong nhân cách Nguyễn Sơn, cùng với những hiểu biết sâu rộng về văn hóa, văn nghệ và một phong cách độc đáo trong ứng xử với văn nghệ sĩ, ông đã trực tiếp góp phần “biến Liên khu 4 thành một trung tâm văn hóa lớn của nước Việt Nam kháng chiến thời đó” (Nguyễn Sơn - vị tướng huyền thoại, sđd, tr.75).

Trong công việc này, Nguyễn Sơn là một hiện tượng lạ. Ông thẳng thắn, có lúc nóng nảy và một chút ngang tàng khác người. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết, chỉ có Nguyễn Sơn mới đòi cô dâu, chú rể làm thơ trong lễ cưới của mình. Có lúc, ông còn bắt dẹp ngay một vở kịch đang diễn dở. Ông phê phán cả Trương Tửu khi vị giáo sư này hiểu không đúng về Truyện Kiều... Nhưng ông cũng bỏ hàng buổi để tâm sự với các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ về văn hóa, văn nghệ. Lúc đó, ông thực sự trở thành người bạn tâm giao, đồng cảm, độ lượng, bình đẳng... của giới hoạt động văn hóa - văn nghệ và vì thế ông có một sức thu hút mãnh liệt đối với trí thức, văn nghệ sĩ ở mọi lứa tuổi, đối với cả những thanh thiếu niên có năng khiếu văn học, nghệ thuật ở trường Thiếu sinh quân do ông sáng lập (1948). Theo thống kê chưa đầy đủ, trong số thiếu sinh quân thời đó, ngoài hàng trăm người thành đạt về chính trị, quân sự, khoa học, kinh doanh... có tới 27 nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Trong sự tìm hiểu hạn hẹp của mình, tôi được biết một số ít trong họ như Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Thanh Hương, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Minh Huệ...

“Đội kèn đồng quản Liên” vốn là đội kèn của Bảo Đại trước Cách mạng tháng Tám. Sau Cách mạng, đội kèn tản mát mỗi người một nơi. Tướng Nguyễn Sơn nhận thấy, quân đội cần có một đội kèn mang khí thế cách mạng để cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Ông đã mời quản Liên đến giao nhiệm vụ phục hồi đội kèn này, dù lúc đó thiếu thốn đủ thứ, kể cả công cụ chủ yếu là kèn. Thế mà, chỉ mươi năm sau, đội kèn quản Liên đã trở thành Đoàn quân nhạc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Không chỉ là bạn tâm giao với văn nghệ sĩ, Nguyễn Sơn còn thường xuyên tiếp xúc với trí thức, tụ hội họ lại trong Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ngay từ thời đó. Ông đã giao cho Nguyễn Đức Quỳnh dịch Le Capital (Tư bản luận) của Marx và tạo mọi điều kiện có thể có trong hoàn cảnh cực kì khó khăn những năm đầu kháng chiến ở Liên khu 4 để họ phục vụ cách mạng. Quây quần bên nhau là những nhà trí thức, văn nghệ sĩ có tên tuổi như Hải Triều, Nguyễn Phan Chánh, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý... cùng nghiên cứu về triết học, về văn hóa, văn nghệ, cùng ra tiền tuyến và sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao.

Khi đọc cuốn Tướng Nguyễn Sơn (Nxb Lao động, 1994), gồm các bài hồi kí về ông, tôi rất tâm đắc một ý của nhà soạn kịch Bửu Tiến. Khi Nguyễn Sơn hỏi ông Đặng Thai Mai về một số văn nghệ sĩ có tên tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám đang ở đâu, như Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương, nhóm Dạ đài..., giáo sư Đặng Thai Mai trả lời: Hiện họ đang ở khu 3. Nguyễn Sơn nói ngay: “Rủ về đây! Vực dậy mà đánh thực dân. Này, cái chính sách Liên hiệp của Ông Cụ hay tuyệt đấy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công!”.

Chúng ta đã nhiều năm thuộc lòng châm ngôn ấy của Bác Hồ. Quen thuộc quá rồi. Nhưng, qua hồi kí, nghe Nguyễn Sơn giải thích, tôi như được mở rộng tầm nhìn và hiểu sâu hơn về ý tứ của châm ngôn trên. Ông giải thích tiếp: “Rủ về! Cách mạng chứa được tất cả! Mỗi người một tính, một nết, miễn đồng ý chung một điểm: đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho nước nhà. (...) Đừng ai dại dột nghĩ rằng đó chỉ là chiến thuật trong một giai đoạn ngắn, mà là cả một chiến lược lâu dài trong công cuộc giành lại độc lập... và trong công cuộc xây dựng đất nước sau đó. Hiểu đó là chiến thuật là bá đạo. Hiểu đó là chiến lược là vương đạo. Phân biệt “cách mạng thực” và “cách mạng giả” là ở điểm mấu chốt này. Lịch sử lâu dài đã chứng minh cái quy luật vĩnh cửu đó...”. Tôi kinh ngạc trước tầm nhìn sâu xa của Nguyễn Sơn, không chỉ đối với trí thức, văn nghệ sĩ, mà đối với toàn bộ lịch sử dân tộc và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đối chiếu với tình hình hiện nay và cả trong tương lai, tư tưởng trên của Nguyễn Sơn còn nguyên giá trị cả thời sự và tính chiến lược của nó.

Tướng Nguyễn Sơn có hơn 25 năm hoạt động ở Trung Quốc. Ngoài những chức trách và nhiệm vụ quan trọng về quân sự, chính trị, ông còn tham gia đầy nhiệt tình các hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí trong thời gian dài trên. Trên các lĩnh vực này, các bạn Trung Quốc đã khẳng định những đóng góp hết sức đa dạng và mang dấu ấn đặc biệt của Nguyễn Sơn, trong đó, ông từng là người sáng lập và là đoàn trưởng đoàn kịch công nông Hồng quân đầu tiên của Trung Quốc, là cây bút chủ lực của một số tờ báo, tạp chí của quân giải phóng Trung Quốc. Các bạn Trung Quốc coi ông không chỉ là người chỉ huy quân sự, mà còn là nhà báo, nhà soạn kịch, nhà thơ, thậm chí có lúc còn là diễn viên. Ông hiểu biết sâu sắc văn hóa Trung Hoa, đến mức giáo sư Đặng Thai Mai khi nghe ông nói chuyện hàng mấy giờ liền về vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ của Tào Ngu đã phải thốt lên: “Nguyễn Sơn nói về Lôi Vũ còn kĩ hơn cả mình dịch” (Đặng Thai Mai là người đầu tiên dịch vở kịch này ra tiếng Việt từ hồi kháng chiến chống Pháp).

Về quan điểm văn hóa, văn nghệ, khi về Việt Nam, Nguyễn Sơn vận dụng linh hoạt những tư tưởng văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thực tiễn Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm, yêu cầu những năm chiến đấu đầy bỡ ngỡ, khó khăn của cuộc kháng chiến. Một mặt, ông chăm lo bồi dưỡng các năng khiếu, tài năng văn nghệ, mặt khác ông yêu cầu văn nghệ phải hướng tới quần chúng, tạo điều kiện cho quần chúng trực tiếp tham gia vào sáng tạo và hưởng thụ văn nghệ, từ đó, ông mở những đợt đi thực tế chiến trường (Bình Trị Thiên) cho văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm hay ra đời từ những cuộc đi như vậy. Thấu hiểu trình độ quần chúng thời kì đó, phương châm ông nêu ra là: “Rất bình dân, gọn nhẹ, không cao xa, lê thê, dài dòng; ít cảnh, ít màn. Tất cả đều trên ba lô”.

Thời đó, có lẽ không ai dám hát Thiên thai của Văn Cao vì nó được xếp vào loại tác phẩm “lãng mạn”, “tiểu tư sản”, “ru ngủ” thế hệ trẻ. Nguyễn Sơn đã mấy lần đề nghị diễn viên hát bài đó với sự cảm thụ chân thành, trong sáng. Có lần, ông còn chê một vài nữ diễn viên thể hiện thô kệch giai điệu và lời ca của tác phẩm này. Một lần khác, Nguyễn Sơn chủ động hỏi về các nhà thơ có những sáng tác “khác lạ” trong phong trào Thơ mới (1932-1945) như Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương... Ông Đặng Thai Mai hỏi: “Anh có hiểu loại thơ đó nói gì không?”. Ông trả lời chân thật: “Không hiểu nhưng cũng nhớ nhớ: nó thanh thoát, nó lâng lâng như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng sông nước chảy. Nói gì với mình, cụ thể? Không hiểu nổi. Nhưng nó lung linh như một khúc nhạc thiều, nó chập chờn như một bóng liêu trai” (hồi kí của Bửu Tiến trong sách Tướng Nguyễn Sơn, sđd, tr.101). Một tâm hồn dễ rung động, nhạy cảm, đồng cảm với thơ và thế giới tinh thần của con người ẩn sâu trong Nguyễn Sơn! Nguyễn Sơn rất người trong nghĩa sâu xa của nó - tôi hiểu như vậy.

Tình cờ, lật giở tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-2000 dày 1700 trang (Nxb Lao động, 2001), tôi đọc được một bài thơ của tác giả có tên là Nguyễn Sơn. Hơi ngờ ngợ, nhưng dưới cái tên đó có ghi “nguyên Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam” và qua cảm hứng và giọng điệu thơ, tôi chắc chắn đây là Nguyễn Sơn thể hiện bằng thơ. Đó là bài Ta ra đi. Xin trích một đoạn: Ta ra đi/ Mô dốc quèo chân/ Ô hay/ Đá sẫm máu ai/ Sao rơi đầy chân ta/ Đó là máu những người chết trong tay giặc/ Ghi tình họ vào núi sông/ Đá muốn khắc vào da thịt ta/ Để nhớ. Ở đây, phong cách ngang tàng của một vị tướng đã hòa quyện với tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ.

Ngày 21/10/1956, tướng Nguyễn Sơn qua đời. Hữu Loan đã làm thơ khóc ông:

Và ngày 22 tháng 10 trên khắp 
nẻo đường thủ đô
Một đám tang đã diễu hành
Một đám tang
                         cờ đỏ liệm quan tài
Nấc lên màu huyết...
Một đám tang đi
                            không
                                        bao
                                                  giờ
                                                          đến
                                                                   huyệt!

Vâng, cách đây tròn 60 năm, ông đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng trong lòng trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam, đám tang ông “không bao giờ đến huyệt”. Ông vẫn sống với cốt cách phong trần của một vị tướng tài ba và với tầm trí tuệ, chiều sâu tâm hồn của một nhà văn hóa độc đáo.

9/2016

Nguồn: ĐINH XUÂN DŨNG - http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/tuong-nguyen-son-tren-mat-tran-van-hoa-9744.html
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét