HỒ CHÍ MINH VÀ FIDEL CASTRO CON ĐƯỜNG TỪ CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC ĐẾN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Ngày 2-9-1969, thế giới loài người tiến bộ đau đớn phải chứng kiến sự ra đi của một trong những con người đã làm nên lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh. 47 năm sau, cả lời người tiến bộ cũng đau đớn khi nhận được tin, một trong những con người cũng đã làm nên lịch sử loài người thế kỷ XX đã về với cõi người hiền. Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro. Cả hai con người vĩ đại ấy, tuổi thì như cha con, nhưng ý chí đều chung một hướng. Đó là chống lại tất cả mọi cường quyền và bạo ngược, sửa lại cho đúng tất cả những gì sai quấy và lẫn lộn; đem lại cơm ăn, áo mặc, sự học hành và đời sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc mình.'
Chủ tịch Fidel Castro  thăm nhà sàn Bác Hồ ngày 9-12-1995

Gần giống như Việt Nam, Cu Ba có lịch sử 388 năm bị thực dân Tây Ban Nha chiếm đóng làm thuộc địa. Trong các phong trào giải phóng dân tộc của người dân Cu Ba cuối thể kỷ XIX có Phong trào độc lập cho Cu Ba dưới sự lãnh đạo của Nhà cách mạng, nhà thơ Jose Marti. Từ phong trào này, năm 1892, Jose Marti đã thành lập Đảng Cách mạng Cu Ba, tiền thân của Đảng Cộng sản Cu Ba ngày nay. Đó là một chính đảng có đường lối cách mạng thực sự, tập hợp được nhiều tầng lớp lao động và những người yêu nước chân chính, để cùng nhau bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, là giành cho kỳ được độc lập, tự do thực sự cho Tổ quốc. Tiếc thay, Jose Marti đã hy sinh ngày 19-5-1895 khi đang chỉ huy quân cách mạng trong trận đầu tấn công thực dân Tây Ban Nha ở Dos Rios, tỉnh Oriente. Sự nghiệp giành độc lập thực sự cho Cu Ba vẫn còn dang dở.

Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, Cu Ba bị đặt dưới sự bảo hộ của đế quốc Mỹ. Mặc dù chính quyền Mỹ khi đó do Theodore Roosevelt lãnh đạo đã công nhận nền độc lập của Cu Ba từ ngày 20-5-1902 nhưng đó là một nền độc lập giả hiệu. Mỹ vẫn giữ quyền can thiệp vào các công việc của Cu Ba, chỉ huy tối cao về quân sự đối với quân đội Cu Ba, giám sát tài chính và quan hệ ngoại giao của nước này. Năm 1903, Mỹ chiếm đóng căn cứ quân sự Guantanamo theo một hiệp ước cho thuê đất 99 năm. Đến nay đã 113 năm trôi qua nhưng Mỹ vẫn chưa chịu trả lại vùng đất này cho Cu Ba.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng đã đặt điểm xuất phát đầu tiên cho mục tiêu cách mạng của mình là giải phóng dân tộc, là nền độc lập thực sự của một đất nước do đại đa số nhân dân lạo động làm chủ, của một đất nước mà số phận của nó do ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết định chứ không phải do một thiểu số làm tay sai cho ngoại bang tiếm quyền và quyết định. Nếu như Hồ Chí Minh tìm thấy cảm hứng và mục tiêu làm cách mạng của mình từ sự kế tục những truyền thống đầu tranh dựng nước, giữ nước 4.000 năm của dân tộc Việt Nam thì Fidel Castro đã tìm thấy niềm cảm hứng cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Cu Ba từ “Tác giả tinh thần của cuộc tấn công pháo đài Moncada” (Lời Fidel Castro) cũng như những lý tưởng giải phóng dân tộc của Jose Marti.

Có một điểm khác nhau giữa hai con đường cách mạng của Hồ Chí Minh và Fidel Castro là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc chính là Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản ngay từ năm 1920, khi Bác Hồ được tiếp cận tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Vladimir Ilich Lenin. Chính từ dấu mốc quan trọng này, Hồ Chí Minh đã trở thành người cộng sản khi đất nước Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Và chính Người đã đem tư tưởng chủ nghĩa xã hội kết hợp với chủ nghĩa yêu nước để giải phóng dân tộc Việt Nam cũng như đấu tranh với các thế lực ngoại xâm để bảo vệ và giữ vững nền độc lập ấy. Còn Fidel thì khác.

Fidel Castro thì bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng một đòn tấn công vũ trang trực diện nhằm vào chế độ tay say thân Mỹ Fulhencio Batista tại pháo đài Moncada ngày 26-7-1953. Mặc dù bị đàn áp và chịu nhiều hy sinh nhưng chỉ 3 năm sau, nhóm vũ trang “26-7” gồm 82 người do Fidel Castro, Raul Castro, Ernesto Che Guevara và Camilo Cienfuegoz chỉ huy đã dùng con tàu du lịch Granma đổ bộ lên bãi biển phía Tây Nam tỉnh Santiago và bắt đầu cuộc chiến tranh du kích từ dãy núi Sierra Maestra. Ba năm sau nữa, cuộc chiến tranh giải phóng của những “Guerigureo” (Anh hùng du kích) Cu Ba kết thúc. Ngày 1-1-1959, Quân đội Cách mạng Cu Ba giải phóng La Habana, kết thúc chế độ độc tài quân sự Batista.

Mặc dù trong “Phong trào 26-7” có bác sĩ Ernesto Che Guevara là người có cảm tình với chủ nghĩa Mác nhưng xu hướng dân tộc chủ nghĩa của phong trào này vẫn còn tiếp tục chiếm ưu thế. Chỉ đến tháng 10 năm 1959, Fidel Castro (lúc đó đã là thủ tướng Cu Ba) mới tuyên bố công khai cảm tình của mình với chủ nghĩa cộng sản. Chính phủ Cách mạng Cu Ba tiến hành quốc hữu hóa nhiều công ty của Hoa Kỳ mà phần lớn các công ty đó do những tên mafiosi Mỹ như Santo Trafficante. Jr. vốn có căn cứ ở Florida (Mỹ) thâu tóm dưới thời trị vì của tên độc tài Batista. Những hoạt động của chúng gồm điều hành khách sạn và sòng bạc hợp pháp cũng như các hoạt động bất hợp pháp tại La Habana. Những tên trùm gangster Mỹ ở Florida đã trở thành những kẻ ủng hộ đáng kể cho Batista trên vũ đài chính trị Cu Ba, chính phủ Batista làm ngơ cho các hoạt động của chúng để đổi lấy các khoản hối lộ và lại quả. Tháng 3 năm 1960, Chính phủ Cách mạng Cu Ba thiết đặt quan hệ ngoại giao và ký kết hiệp định thương mại với Liên Xô, Hầu như ngay lập tức, chính quyền Mỹ do John F. Kennedy lãnh đạo tiến hành bao vây, cấm vận Cu Ba.

Đảng Cộng sản Cu Ba ngày nay có tiền thân là Đảng Xã hội Nhân dân Cu Ba được thành lập từ những năm 1930. Hai năm sau Cách mạng năm 1959, tháng 7 năm 1961, ban lãnh đạo Đảng Xã hội Nhân dân Cu Ba do Blas Roca lãnh đạo, Phong trào 26-7 do Fidel Castro lãnh đạo và Hội đồng Cách mạng 13-3 do Faure Chomon lãnh đạo đã đồng ý cùng thiết lập “Các tổ chức cach mạng hợp nhất” (ORI). Ngày 26-3-1962, Đại hội lần thứ nhất ORI đã đổi tên tổ chức này thành Đảng Cách mạng xã hội thủ nghĩa thống nhất (PURSC) và đến ngày 3 tháng 10 năm 1965, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Cu Ba. Như vậy, tuy đến với chủ nghĩa xã hội muộn màng hơn nhưng Fidel Castro đã nhận thức rất rõ ràng rằng để bảo vệ thành quả cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước Cu Ba, dân tộc Cu Ba cần có chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn từ năm 1955 đến nay, Cu Ba là nước đầu tiên tuyên bố theo đường lối chính trị xã hội chủ nghĩa sau khi các lực lượng cách mạng cánh ta theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền lực tối cao của đất nước. Tiếp theo Cu Ba, còn có một số nước khác tuyên bố đi theo như Myanma, Ethiopia, Angola, Mozambique, Libya, Afghanistan, Lào, Campuchia, Nicaragoa, Venezuela, Grenada… Đây là những nước xã hội chủ nghĩa thuộc thế hệ thứ ba, sau Liên Xô và Mông Cổ (thế hệ các nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên sau Cách mạng tháng 10 Nga); Trung Quốc, Việt Nam, Cộng hòa DCND Triều Tiên và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (thế hệ các nước xã hội chủ nghĩa thứ hai ra đời sau chiến thắng của nhân loại tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Đến nay, sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chỉ còn ba nước xã hội chủ nghĩa thuộc thế hệ thứ hai tồn tại (Trung Quốc, Việt Nam và Cộng hòa DCND Triều Tiên). Sự sụp đổ của Liên Xô cũng kéo theo sự sụp đổ hoặc thoái hóa của một số nước theo xu hướng xã hội chủ nghĩa thuộc thế hệ thứ ba như Myanma, Afhganistan, Lybia, Bénin (Dahomey cũ), Ethiopia, Yemen (Nam Yemen) Nicaragoa, Campuchia, Grenada .v.v… Nhưng từ năm 1991 đến nay, ngoài Lào là nước xã hội chủ nghĩa thế hệ thứ ba vẫn đứng vững, còn có một số nước khác cũng tuyên bố theo xu hướng xã hội chủ nghĩa hoặc dân chủ xã hội chủ nghĩa như Vennezuela, Bolivia, Equadore…

Tất cả những sự ra đời, suy thái, sụp đổ, cũng như tồn tại của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong thế kỷ XX cho đến nay đều chứng minh hai chân lý. Chân lý thứ nhất là: “Chỉ có chủ nghĩa yêu nước chân chính, không hẹp hòi, không sô vanh mới có thể làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm cho chủ nghĩa yêu nước trở thành chủ nghĩa yêu nước chân chính”. Chân lý thứ hai là: “Chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa xã hội mới có thể giúp cho một dân tộc giành lại được quyền độc lập, tự do cho mình và bảo vệ vững chắc nền độc lập ấy”. Bằng các con đường khác nhau nhưng cả Hồ Chí Minh lẫn Fidel Catro đều đã tìm ra được những chân lý ấy và làm cho ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội vẫn tung bay ở hai đầu Đông và Tây của trái đất.

TÂM NGUYỄN
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét