TỔ CHỨC FREEDOM HOUSE ĐƯA RA NHỮNG CÁO BUỘC SAI SỰ THẬT VỀ TỰ DO INTERNET Ở VIỆT NAM

Mới đây tổ chức Freedom House đã công bố kết quả khảo sát về “tự do internet” trên toàn thế giới do chính tổ chức này tự khảo sát. Cũng không ngạc nhiên mấy về kết quả khi Freedom House đã xếp Việt Nam vào hàng cuối, tức là những quốc gia không có tự do về internet, xếp hạng 76 trên 86 quốc gia. Kèm theo những lý do khiến Việt Nam bị xếp hạng như vậy là: “Việt Nam duy trì chính sách kiểm soát Internet, theo dõi, đánh sập các trang mạng xã hội, hạn chế thông tin và tiếp tục vi phạm quyền của người sử dụng mạng, bất chấp luật lệ, đàn áp bloggers bằng chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia...”
Tổ chức Freedom House, ảnh: internet
Freedom House là tổ chức phi Chính phủ, thành lập tháng 10/1941, trụ sở đặt tại Hoa Kỳ. Tổ chức này tự gán cho mình sứ mệnh “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”. Để thể hiện sứ mệnh, hàng năm Freedom House đều công bố các văn bản gọi là phúc trình về tự do trên thế giới, báo cáo thường niên về tự do báo chí, tự do internet. Người ta không biết có bao nhiêu độ khách quan, chuẩn xác trong đó; chỉ biết rằng đã có không ít quốc gia phản đối, phê phán cách làm phiến diện, áp đặt của tổ chức hoạt động dưới sự tài trợ, thao túng của Chính phủ Hoa Kỳ. Tổ chức này thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để nói xấu các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia thuộc khối Xã hội chủ nghĩa và các quốc gia nhỏ bé.
Thông tin mà Freedom House đưa ra về tự do internet trên toàn thế giới là thiếu chính xác, không khách quan, bị áp đặt bởi tư tưởng của một số nước Tư bản chủ nghĩa. Mặc dù được gắn cái mác tổ chức phi Chính phủ nhưng Freedom House luôn nhận được sự tài trợ to lớn từ các cường quốc Tư bản, hoạt động theo sự chỉ đạo của các quốc gia này. Vì vậy, thông tin được Freedom House công bô chỉ là những thông tin “ảo”, sai sự thật, không được bất cứ tổ chức, quốc gia nào sử dụng.
Thực tế tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong đó có tự do internet được Hiến pháp ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm thực thi. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.Luật Viễn thông cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc “tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh viễn thông để phát triển nhanh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông, đa dạng hóa dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Điều 4, Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định cụ thể chính sách phát triển, quản lý Internet của Nhà nước như sau:
“1. Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. 
2. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên Internet. Đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên Internet.”
Việt Nam là một trong những nước tập trung nguồn lực lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển khoa học công nghệ, trong vòng chưa đầy 20 năm kể từ khi có mạng internet, tỷ lệ người dùng mạng ở Việt Nam đã tăng chóng mặt, chất lượng cũng được cải thiện rõ rệt, không hề có tình trạng ngăn cản như bản báo cáo của Freedom House công bố. Số lượng các trang điện tử cá nhân, tài khoản trên các trang mạng xã hội tăng nhanh. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tìm hiểu, sử dụng mạng internet. Bên cạnh việc đầu tư, tạo điều kiện tốt thì cũng phải duy trì môi trường internet lành mạnh, trong sạch thông qua hệ thống pháp lý chặt chẽ. Ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng internet để thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm là ưu tiên hàng đầu, không để cho các đối tượng này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Thiết nghĩ, thay cho việc chỉ săm soi, chỉ trích, đưa ra những thông tin sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền ở một số nước, trong đó có Việt Nam tổ chức Freedom House nên có cái nhìn đầy đủ, khách quan về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được và những đóng góp của Việt Nam trên thế giới.

NGUYỄN CHIẾN THẮNG
Chia sẻ trên Google Plus

0 nhận xét:

Đăng nhận xét